Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam tới năm 2030” vừa được Truyền hình Quốc hội tổ chức tại Hà Nội sáng 18/10.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lưu ý, các biện pháp như cấm quảng cáo, cảnh báo, truyền thông... đã được triển khai và gần như bão hòa, không còn hiệu quả nhiều; chỉ có thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, biện pháp tăng thuế chiếm 60% tác động giảm sử dụng thuốc lá. Nhưng ở Việt Nam thời gian qua, thuế thuốc lá tăng quá ít, mới chiếm 15-20% tác động, dẫn đến tỷ lệ hút thuốc còn cao”, ông Lâm nhận định.
Theo Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026-2030 với hai phương án.
Phương án 1 bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc lá ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026, tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong ba năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao vào năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đề xuất Việt Nam nên áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt mức 15.000 đồng/bao vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% vào năm 2030, đạt mục tiêu quốc gia về giảm hút thuốc.
Điều này sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng/năm cho ngân sách vào năm 2030, so với năm 2020.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế điểm lại lịch sử tăng thuế thuốc lá: Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế TTĐB đối với thuốc lá là vào năm 1999, với mức 45%. Trong giai đoạn 2006-2007 áp mức 55%.
Từ năm 2008 đến 2019 đã thực hiện ba lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: Năm 2008 tăng mức thuế suất lên 65%; năm 2016 (sau 8 năm) tăng lên 70%; năm 2019 (tiếp sau 3 năm) tăng lên 75%.
“Các mức tăng thuế thuốc lá rất thấp, khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng rẻ và dễ tiếp cận”, bà Hương nói.
Thạc sĩ Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, thông tin thêm: Từ năm 2006 đến 2024, tức là trong 18 năm, thuế TTĐB thuốc lá chỉ tăng 20%, tương đương mức tăng trung bình khoảng 1,1%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 4-5%.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), trong đó có nội dung về thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá, sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới và dự kiến được xem xét thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2025.
"Tọa đàm lần này nhằm tổng hợp ý kiến, nguồn thông tin tham khảo hữu ích, giúp các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết sách đúng và trúng nhằm đạt được tất cả mục tiêu đề ra”, nhà báo Lê Quang Minh, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam, chia sẻ.
Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 do Thủ tướng ban hành ngày 24/5/2023 đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Đồng thời yêu cầu xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, đảm bảo đến năm 2030, mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của chiến lược. |