Một khi những “giá trị giả” đó trở thành bình thường hóa, thì những thang giá trị nào có thể làm … tay vịn cho sự phát triển?

Nước Việt sẽ hội nhập thế nào, ngay cả khi cơ hội lớn, thông qua sự kiện vị TT Mỹ Obama sang thăm VN với nhiều thông điệp lớn, được mở ra?   

------------------

Một sự kiện lớn nhất tuần qua, cũng có thể coi là sự kiện đối ngoại lớn nhất năm 2016 vừa diễn ra đã khiến cho trái tim của hàng triệu người dân Việt như… tan chảy, như lời bình của ai đó trên trang mạng XH.

Đó là sự kiện TT Mỹ B. Obama sang thăm VN.

{keywords}
Tổng thống Obama vừa có chuyên thăm chính thức Việt Nam.

Giá trị Mỹ và “Nam quốc sơn hà nam đế cư”

Khỏi phải nói, sự hiện diện của ông TT da màu ở dải đất chữ S bên bờ biển Đông, giữa những năm tháng nước Việt đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn: Ngập mặn, cá chết, nợ công, tham nhũng, lợi ích nhóm…, ít nhiều đã khiến người dân VN quên đi những nỗi bất an, chỉ còn lại sự hân hoan chờ đón vị nguyên thủ một QG lớn nhất thế giới.

Thật kỳ lạ. Hơn 40 năm trước đây, VN và Mỹ là hai nước cựu thù. Những vết thương lòng, những vết thương chiến tranh đã khiến cho cả hai quốc gia khác biệt nhau kỳ lạ- như phương Đông với phương Tây, như nhỏ với lớn, như yếu với mạnh, phải kiên nhẫn, khéo léo khâu vá từng đường kim mũi chỉ ngoại giao suốt 20 năm, để hôm nay, vị TT Mỹ trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp trưa ngày 24/5 lay động lòng người, khi trích dẫn ca từ của nhạc sĩ Văn Cao tài danh: Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người…

Người VN vốn hồn nhiên, tốt bụng, và hiếu khách. Nhưng không phải khách nào đến thăm nước Việt cũng được họ quý yêu, chào đón, thậm chí ngược lại… Vì sao?

Nhận thức là cả một hành trình đau đớn, với một dân tộc. Sự phát triển IT và thế giới phẳng đã đem đến cho dân trí nước Việt những đổi thay mạnh mẽ. Giá trị Mỹ là một khái niệm được nhân loại thừa nhận. Trong khi nước Việt đang phải đối mặt với những thách thức của phát triển, mà sâu mọt vẫn không… lụi tàn, đang phải đối mặt với những dã tâm xâm lược chủ quyền, rất cần có những đối tác chiến lược, những bạn bè hợp tác hỗ trợ, chia sẻ trên tinh thần vì lợi ích quốc gia mỗi bên, trên tinh thần cả hai bên cùng có lợi. Xin mượn nhắn nhủ của nhân gian- Hữu duyên thiên lý nên (năng) tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Khỏi phải nói, dư luận XH, báo chí, truyền thông khai thác hết “công suất” về chuyến đi, đặc điểm tính cách con người, sở thích ẩm thực- bún chả, bia HN, café đá, cho đến nơi ăn chốn ở, phương tiện di chuyển, bảo mật…, của ông Obama ra sao. Có những điều thái quá, nhưng ở góc độ nhân sinh, điều đó phản chiếu mối quan tâm đầy hứng thú của một cộng đồng. Và người viết bài tin, ông Obama cảm nhận rất rõ con tim của người dân Việt khi bày tỏ, tim tôi đã nhiều lần rung động bởi sự tử tế mà dường như đối với người VN là chuyện bình thường.

Nhưng thông điệp cụ thể của chuyến thăm viếng có thể đọc thấy ở những cuộc gặp gỡ, trao đổi, đặc biệt ở thông cáo những vấn đề của hai quốc gia cùng quan tâm.

Có những vấn đề VN đang rất cần chia sẻ, và được hai bên ưu tiên trao đổi. Có những vấn đề nước Việt phải rất nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để có thể vươn lên bình đẳng hội nhập cho dù TPP đã được ký kết, nhưng vẫn còn phải chờ QH Mỹ thông qua. Có những vấn đề bằng hành động, người đứng đầu nước Mỹ vô tình gợi í cho nước Việt quan điểm về sự cất cánh của một QG, cũng là “đường băng” của nhiều QG từng cất cánh, từ châu Âu đến châu Á.

{keywords}

Tổng thống Obama được người dân chào đón nồng ấm.


Đó là về an ninh, mối quan tâm nhất của cộng đồng nước Việt là Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với VN, rất có ý nghĩa với chính sách an ninh, quốc phòng của VN. Có nghĩa là từ đây, hai nước có mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn, nhất là những vấn đề mang tính lợi ích chung trong giao thương hàng hải.

Trước đó, ngày 24/5, theo VnExpress, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho VN 18 tàu tuần tra Metal Shark, hỗ trợ công tác huấn luyện và trang thiết bị thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng Cảnh sát Biển VN, tăng cường mối hợp tác an ninh giữa hai nước. Khẳng định giúp VN xây dựng năng lực an ninh hàng hải bằng cách cung cấp 45,7 triệu USD kể từ tài khóa 2014, hỗ trợ tài chính cho Quỹ Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI), một sáng kiến mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết tài trợ 425 triệu USD trong 05 năm.

Trong bài phát biểu ở TT Hội nghị QG, người đứng đầu nước Mỹ đã làm hàng triệu con tim VN bất ngờ và đồng cảm, khi ông trích dẫn bản hịch khảng khái khí phách của Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở).

Khi ông chia sẻ trong quá khứ dâu bể: Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận!

Nhưng khẳng định ở hiện tại và tương lai: Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. VN là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN!

Đó là về thương mại, ngày 23/5, với sự chứng kiến của CT nước Trần Đại Quang và TT Mỹ Obama, một bản hợp đồng “thuê mua” máy bay trị giá tới 11,3 tỉ USD giữa Vietjet Air và Boeing – một trong 02 tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới- đã được kí kết.

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo cũng vào trưa ngày 23/5, CT nước Trần Đại Quang tỏ ý hy vọng Mỹ sẽ sớm là nhà đầu tư lớn nhất vào VN, bởi hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là sau khi ký hiệp định TPP. Việc VN ký TPP cũng là triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước mà VN đã cùng các nước thành viên nỗ lực thu hẹp sự khác biệt, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của nhau.

Còn TT Obama thẳng thắn nhận định, VN có nền kinh tế năng động, nhiều doanh nghiệp, nhiều người trẻ. Ông tự tin hiệp định TPP sẽ được thông qua vì đây là điều tốt, có lợi cho Mỹ. Khu vực này đang phát triển nhanh nhất thế giới, các nước đều muốn bán sản phẩm vào Mỹ.

Đó là về giáo dục, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Mỹ, đó là việc VN đồng ý cấp phép thành lập ĐH Fulbright VN. Phản chiếu một quan niệm đúng đắn mà bất cứ QG nào phát triển mạnh cũng tìm kiếm giải pháp này- đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Mỹ, Anh Quốc, Nhật Bản, Singapore…, đều là những quốc gia rất coi trọng đào tạo nhân lực cho thị trường lao động, và cao hơn nữa, cho kinh tế tri thức. Trong không xa, các công ty, trường ĐH của Mỹ sẽ đến VN để đem lại công nghệ và GD chất lượng cao.  

Nhưng người viết còn chú ý hơn đến một động thái khác. Đó là những cuộc tiếp xúc với hơn 100 doanh nghiệp trẻ, đại diện cho giới DN khởi nghiệp ở VN. Và cuộc trò chuyện với hơn 800 thủ lĩnh trẻ VN tại cuộc gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).

Cuộc đối thoại vui vẻ, đầy nhiệt huyết và thuyết phục giữa khách- người đứng đầu một QG “trẻ” mới gần 300 năm, với chủ- những người trẻ tuổi khao khát khẳng định mình, đầy cuốn hút.  Bản thân ông cũng là một tấm gương lớn về ý chí, tài năng của một người trẻ, phản chiếu sâu sắc Giá trị Mỹ. Cho thấy, sự phát triển của một QG cần cả 03 yếu tố: Tư duy trẻ; dám sáng tạo, biết hành động; và một môi trường XH công bằng, biết trân trọng tài năng, bất kể thân phận, xuất phát điểm thế nào.

Chỉ có thế, QG mới có thể đi nhanh, đi xa. Và ngược lại…

Đòi hỏi sự hành động của mỗi quốc gia

Cũng có những ý kiến hoài nghi xuất phát từ “tư duy nhiệm kỳ” của VN cho rằng, chỉ còn vài tháng nữa, ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ II ngôi vị TT, liệu CP mới ở nhiệm kỳ tới có rơi vào trạng thái tân thủ trưởng tân chính sách?

Người viết bài chú ý đến ý kiến của TS Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á- Singapore; và giảng viên ĐHKHXH& NV t/p HCM) khi ông cho rằng, hai đảng của Mỹ đã ít nhiều đạt được sự đồng thuận về chính sách tái cân bằng sang Tây Thái Bình Dương. Vị TT tiếp theo dù là người của đảng nào thì chính sách này vẫn nhiều khả năng được duy trì. Bởi nền chính trị Mỹ có các cơ chế mang tính cấu trúc và thể chế có thể hạn chế quyền tự do hành động của các cá nhân. Quan trọng hơn, cho dù TT Mỹ tiếp theo là ai, thì lợi ích quốc gia, nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ nói chung và chính sách của Mỹ đối với VN nói riêng, cũng sẽ ít thay đổi.

Trước chuyến đi thăm VN của ông Obama, Ông Gregory B. Poling, (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ- CSIS) cũng chung một nhận định: Chính sách đối ngoại với châu Á luôn được coi là nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng ở Mỹ. Cho dù ai sẽ bước vào Nhà Trắng, dù đó là cựu ngoại trưởng Clinton hay tỉ phú Donald Trump, thì họ cũng sẽ tự động nhận ra rằng tương lai của nước Mỹ nằm ngang bờ Thái Bình Dương, và thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á (Tuần Việt Nam, ngày 19/5).

Nhưng sự nghi ngại không chỉ có về nước Mỹ. Trong phát biểu của mình tại TT Hội nghị QG Mỹ Đình ngày 24/5, TT Mỹ Obama cũng chia sẻ mối quan tâm của ông về chính đối tác của nước Mỹ ở thì hiện tại, và thì… sắp tới, khi ông rất khôn ngoan và chân thành bày tỏ rằng, chúng ta cũng có những khác biệt về nhân quyền. Nhưng tôi không nói riêng VN, không nước nào hoàn hảo, kể cả Mỹ. Tôi ngày nào cũng nghe những than phiền về nhân quyền. Nhưng chỉ trích khiến ta tiến bộ.

Mỗi nước có con đường, truyền thống, thể chế chính trị, văn hóa khác nhau. Nhưng là một người bạn của VN, tôi xin bày tỏ quan điểm của mình. Các quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được đảm bảo. Thượng tôn các quyền này không làm xã hội rối loạn, mà là nguồn gốc cho một xã hội ổn định và tiến bộ. Chẳng phải các dân tộc, trong đó có VN, khi đánh đổ chủ nghĩa thực dân, đều là để đòi các quyền này sao. Thực hiện các quyền đó cũng là thể hiện cao nhất sự độc lập mà chúng ta trân trọng, cả ở nơi đây, một đất nước tự coi mình là của dân, do dân, vì dân.

{keywords}

Hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia tồn tại hai thể chế chính trị, hai nền quản trị quốc gia khác biệt đòi hỏi hành động và chuyển động của mỗi QG để hoàn thiện chính mình.

Rõ ràng, sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia tồn tại hai thể chế chính trị, hai nền quản trị quốc gia khác biệt chắc chắn đòi hỏi sự hành động và chuyển động của mỗi QG để hoàn thiện chính mình, bảo đảm những cam kết của vị TT tiền nhiệm vẫn thành thực tiễn, bảo đảm những tín hiệu phát triển và hội nhập tích cực ở dải đất S bên bờ biển Đông đầy sóng gió. Mà hôm nay, vị TT Mỹ đã lẩy Kiều khẳng định niềm tin của sự hợp tác Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi.

“Giá trị giả”- có bảo kê không?

Thế nhưng, liệu nước Việt có thể tự tin bước vào hội nhập TPP như hy vọng của những người đứng đầu hai quốc gia Việt- Mỹ vừa mới khẳng định chắc chắn mới đây, nếu như hiện trạng hàng giả cũng đang trở thành một vấn nạn đáng sợ.

Tại Hội nghị về về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5, ông Lê Thế Bảo, CT Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN từng thách: Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở VN? (Dân trí, ngày 26/5)

Một câu đố không có nổi lời giải.

Vì hàng giả “sánh vai” cùng hàng thật, cứ chềnh ềnh, thậm chí sang chảnh trên thị trường, ngay ở các đô thị lớn như Hà Nội. Hàng giả có mặt ở mọi lĩnh vực, không tuần chay nào không có nước mắt, ở mọi ngành nghề kinh doanh, mọi sản phẩm, từ may mặc, hàng hiệu nước hoa, mỹ phẩm đến thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng và hàng điện tử….

Mà mắt người dân thì chẳng thể giống như đôi mắt của Tôn Ngộ Không có khả năng thẩm thấu giả- chân.

Mới 04 tháng đầu năm nay, theo Dân trí ngày 25/5, các lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ, xử phạt, truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng, trong đó khởi tố hơn 440 vụ và hơn 580 đối tượng vi phạm.

Nhưng ngay chính các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, đây chỉ là phần tảng băng nổi trên mặt nước.

Bởi đường đi của hàng giả muôn hình vạn trạng. Như vòi bạch tuộc.

Lúc xâm nhập vào cả các chiến dịch quảng cáo “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tại các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Và thời IT, rất nhanh, hàng giả lập tức tràn lên cả trên mạng FB, thông qua việc lập các fanpage, hoặc trang facebook cá nhân để bán hàng...

Nhưng tuyến biên giới là nơi hàng giả lộng giả thành chân nhất, đến mức theo ông Lê Thế Bảo, đi xe từ Móng Cái, sang Lạng Sơn, Lào Cai nếu bỏ hết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đi thì chẳng còn bao nhiêu… hàng thật!

Vì sao hàng giả đông như quân Nguyên, và đội quân chống hàng giả cũng… đông không kém, tỷ như ở cơ sở có quản lý thị trường, công an kinh tế, trung ương có Ban Chỉ đạo QG 389 phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu, các bộ,  ngành đều có các cơ quan chức năng như thuế, hải quan, vậy nhưng vì sao, cứ mỗi lần hội thảo lại nghe các cơ quan chức năng não nuột từng đường tơ, não nuột từng đường tơ than thở với nhau?

Hãy nghe chính những người trong cuộc nhận định.

Ông Lê Thế Bảo: Các cơ quan chức năng đều nói lực lượng mỏng, thiếu phương tiện và tài chính nhưng cái thiếu lớn nhất ở đây là nhiệt tình, tâm huyết và cách làm. Chúng ta chưa làm được nhiều, để hàng giả tràn lan, lỗi là quản lý chưa nghiêm và xử lý chưa triệt để. Câu hỏi đặt ra đối với các lực lượng chức năng và cuộc chiến chống hàng giả của VN có bảo kê của lợi ích nhóm cho hàng giả lộng hành khiến chúng ta không xử lý được hay không? (Dân trí, ngày 26/5)

Câu hỏi này chỉ có các lực lượng chức năng mới trả lời nổi.

Đại tá Hoàng Văn Trực, (Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công An): Chúng ta có đủ các chính sách, đủ các lực lượng nhưng cơ chế xử lý và chế tài yếu và thiếu. Chính sách chồng chéo khiến phải viện dẫn nhiều luật mới xử lý được vi phạm. Đáng nói, mối liên hệ giữa các cơ quan hiện nay rất yếu vì bộ nào cũng muốn giữ bí mật để điều tra. Có điều khi cơ quan công an thông tin đến các lực lượng chức năng khác để triển khai lệnh bắt giữ thì chưa được 05 phút, đối tượng đã biết và tẩu tán tài sản. Như vậy, trong chính lực lượng phòng chống hàng giả, buôn lậu cũng có đối tượng cấu kết và bảo kê! (Dân trí, ngày 25/5)

Ôi trời, ngay “trong chính lực lượng phòng chống hàng giả, buôn lậu cũng có đối tượng cấu kết và bảo kê!”. Vậy thì chống ai ai chống bây giờ chống ai?

Chưa kể các chính sách, các chế tài xử lý cũng còn nhiều kẽ hở, ngay lập tức được kẻ vi phạm pháp luật lợi dụng để ‘lách luật”, để nếu bị bắt giữ, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính, không xử lý hình sự nổi.

Xã hội chúng ta, lâu nay đã phải chung sống với bằng cấp giả, hàng giả. Nhưng mấy ai hình dung, sâu sắc hơn, đáng sợ hơn là đạo đức giả, là nhân phẩm giả, lương tâm giả. Một khi những “giá trị giả” đó trở thành bình thường hóa, thì những thang giá trị nào có thể làm … tay vịn cho sự phát triển?

Nước Việt sẽ hội nhập thế nào, ngay cả khi cơ hội lớn, thông qua sự kiện vị TT Mỹ Obama sang thăm VN với nhiều thông điệp lớn, được mở ra?

Kỳ Duyên