Mời quý độc giả theo dõi video:

Các sản phẩm OCOP đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế trên địa bàn các phường-xã, không ngừng gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở từng địa phương.

Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh triển khai đề án OCOP, kẹo cu đơ được lựa chọn là một trong 6 sản phẩm làm điểm nhấn để nhân ra diện rộng. Đề án OCOP được triển khai, trong đó có sản phẩm kẹo cu đơ cùng nhiều sản phẩm khác góp phần làm sống lại các giá trị truyền thống của địa phương, tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, có thị trường bền vững, gia tăng giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Giờ đây, rất nhiều hộ gia đình đã kinh doanh nghề kẹo như một nghề chính. Cả tỉnh ước tính có khoảng trên 400 lò kẹo lớn nhỏ, thu hút lượng lao động lớn, nổi bật với nhiều thương hiệu tên tuổi như: Cu đơ Thư Viện, Cầu Phủ, Hương Sơn, Công Thảo, Thu Chiến, Thanh Hạnh, Phong Nga…

Trung bình mỗi ngày ở Hà Tĩnh sản xuất và tiêu thụ khoảng 20 tấn kẹo được đóng gói. Thu nhập bình quân cho những người làm nghề này khoảng từ 4.000.000 - 4.500.000 đồng/tháng. Phát triển sản xuất nghề làm kẹo cu đơ không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, mà còn gìn giữ và phát triển một ngành nghề truyền thống có từ lâu đời.

Các cơ sở sản xuất kẹo cu đơ còn chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng phóng sự về sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chuẩn hóa bao bì; vận hành chương trình giám sát, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ngày 3/6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) ban hành Quyết định số 43079/QĐ-SHTT về việc cấp chứng nhận đăng kí nhãn hiệu độc quyền “Cu đơ Hà Tĩnh” cho sản phẩm kẹo cu đơ Hà Tĩnh.

Với việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu “Cu đơ Hà Tĩnh”, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu này đã có thêm công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật thông qua việc quản lý và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, góp phần đảm bảo chất lượng, duy trì danh tiếng sản phẩm, phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm một cách bền vững và hiệu quả.

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia cũng như tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nguồn lực để quảng bá, phát triển kênh thị trường, hệ thống phân phối, kết nối cung - cầu nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm đặc trưng. 

Thùy Chi- Đức Yên