“Tôi sẽ điều binh sĩ Mỹ đến các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đông Âu trong thời gian tới, với số lượng không quá nhiều”, tờ The Hill dẫn lời ông Biden nói tại Căn cứ Không quân Andrews tối 28/1 (giờ Mỹ).
Theo The Hill, phát biểu trên của ông Biden là tín hiệu mới nhất cho thấy giới chức Nhà Trắng tin rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở một cuộc họp báo khác nói rằng, giới chức quân sự Mỹ không tin Tổng thống Nga Vladimir Putin “sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về sử dụng lực lượng quân sự chống lại Ukraina”.
“Cuộc xung đột hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ bùng phát, bởi vẫn còn thời gian cho các cuộc đàm phán ngoại giao. Không có lý do gì khiến cho tình hình hiện nay phải phát triển thành một cuộc xung đột. Ông Putin có thể chọn làm mọi việc giảm căng thẳng, ông ấy có thể ra lệnh rút bớt quân và chọn phương thức đối thoại cùng ngoại giao”, ông Austin nói.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bất kể ông Putin đưa ra quyết định như thế nào “thì nước Mỹ sẽ đứng về phía các quốc gia đồng minh và đối tác”.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây thời gian gần đây leo thang, sau khi Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh cáo buộc chính quyền Moscow điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraina, với lo ngại rằng nước này có thể tấn công quốc gia láng giềng. Phía Nga đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời khẳng định các động thái quân sự ở biên giới phía tây nước này đều vì mục đích phòng thủ.
>>> Đọc tin quân sự trên VietNamNet
Tuấn Trần
Tương quan lực lượng Nga-Ukraina, điều gì xảy ra nếu có xung đột?
Nhiều nhà phân tích lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina đang lớn hơn bao giờ hết.
Mỹ hứa bảo vệ Ukraina, kêu gọi Hội đồng Bảo an vào cuộc
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết với người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ hỗ trợ Kiev, trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng.