Trong lần về thăm quê 10 ngày vào năm 1993, Đại tướng trò chuyện thân tình với cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình: “Gia đình, quê hương góp phần hình thành nhân cách và con đường tôi chọn”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn, người con đất Quảng Bình xúc động chia sẻ cùng VietNamNet về những kỷ niệm trong cuộc đời của ông với Đại tướng.
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin
- Truyền thông chia sẻ những kỷ niệm trong cuộc đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
"Là thế hệ cháu con của Cụ Giáp, thế hệ của ông ngay từ nhỏ đã thần tượng Đại tướng, người con của quê hương đất Quảng; đã đọc say mê những cuốn sách do Đại tướng viết", ông Doãn nói.
Năm 1989, khi đó tỉnh Bình Trị Thiên tách tỉnh, ông Đỗ Quý Doãn được phân công đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập báo Quảng Bình. Lúc đó, trụ sở cơ quan mới dọn về, đồ đạc chưa kịp sắp xếp, còn rất bộn bề… Đúng dịp đó, Đại tướng về thăm quê và ghé thăm báo. Ông nhắc nhở: "Các anh chị hãy học cách viết báo của Bác Hồ: viết ngắn, gọn, súc tích để nhân dân hiểu. Viết xong một bài báo, anh hãy đưa cho chị công nhân, chị lao công… đọc, nếu họ hiểu, thì đó là các anh đã hoàn thành một tác phẩm báo chí”.
Năm 1993, Đại tướng về thăm quê. Mảnh đất Quảng Bình nhiều nắng gió, nhưng một lòng thủy chung, kiên trung với cách mạng. Đại tướng trò chuyện thân tình với cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình: Gia đình, quê hương góp phần hình thành nhân cách và con đường mà tôi chọn.
Tôi nhớ mãi hình ảnh một ông già tóc bạc trắng, bên cạnh con sông Kiến Giang, ông bình thản bước chân xuống chiếc thuyền nơi bến đò quê, có cây dừa cổ thụ. Ông lấy tay vốc nước dòng sông quê hương… Hình ảnh ấy, suốt bao nhiêu năm vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Ông già đó là Đại tướng.
Ngày cuối cùng của chuyến về thăm quê 10 ngày, Đại tướng đi đi lại lại rất nhiều lần trên bờ biển Nhật Lệ, vẫn mái tóc bạc trắng. Khi ấy, tôi đang là Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Quảng Bình. Bữa cơm tối chia tay, tôi mạnh dạn ra gặp Đại tướng, và hỏi: “Thưa Bác, cháu thấy chiều này Bác có chuyện gì trong lòng?”. Đại tướng bảo: Về thăm quê lần này, Đại tướng đến thăm bà con nhân dân khắp các huyện, thị của Quảng Bình, nhưng còn hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa là bác chưa đến được. Điều đó làm Đại tướng day dứt…
Tuyên Hóa, Minh Hóa là hai huyện miền núi vùng sâu, xa nhất của Quảng Bình. Khi đó, đến được Tuyên Hóa phải qua ba lần đò/phà; từ Tuyên Hóa xuống Minh Hóa cũng tới vài chục km đường núi, sức thanh niên đi cũng phải mất nửa ngày mới tới…
Vì thời gian, Đại tướng không về thăm được, điều đó làm ông phiền muộn. Ông Doãn mạnh dạn đưa ra ý kiến: Cháu nghĩ, bác viết thư gửi về cho cán bộ, nhân dân Tuyên Hóa, Minh Hóa. Như thế, dù Bác không về, nhưng cán bộ, nhân dân hai huyện đó cũng sẽ ấm lòng…
Và, trong bức thư Đại tướng gửi về cán bộ, nhân dân Tuyên Hóa, Minh Hóa, Đại tướng ân cần căn dặn bà con cố gắng không được phát rừng làm rẫy, không được chặt cây, phải giữ rừng, bảo vệ môi trường, vì nếu phát rừng, phá rừng, lũ sẽ về, chính đời sống của bà con bị đe dọa. Đại tướng cũng nhắc nhở: Vùng sâu, vùng xa Tuyên Hóa, Minh Hóa, bà con hay bị bướu cổ, bị sốt rét. Cán bộ y tế cần lưu ý phổ biến cho bà con cách phòng ngừa bệnh…
“Hai bức thư của Đại tướng gửi về, đồng bào hai huyện rất mừng vui, cảm động. Dù Đại tướng không về được tận nơi, nhưng những thương yêu của ông dành cho nhân dân, cho đồng bào, bà con vẫn cảm nhận được đầy xúc động như thế” - ông Doãn tâm sự.
Sau này, vào các năm 2008 và 2011, ông Doãn cũng có may mắn khi tham gia dịch và giới thiệu cuốn sách “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân” của Đại tướng tới hội chợ sách La Habana. “Hôm giới thiệu cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh của QĐND Việt Nam tới bạn bè Cuba, có 6 lãnh đạo cấp cao của Cuba đến dự, có cả ông Raul Castro, em trai của Chủ tịch Fidel Castro. Nhắc đến Đại tướng, nhân dân Cuba đều đồng loạt vỗ tay tán thưởng.
“Hội chợ sách kết thúc, tôi cùng anh Lê Doãn Hợp (khi đó đang là Bộ trưởng, tôi là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) và anh Kiểm (Cục trưởng Cục Xuất bản) mang cuốn sách đến nhà tặng Đại tướng. Ông rất vui. Sau này, năm 2011, kỷ niệm 100 năm tuổi của Đại tướng, tôi đã đề xuất ý tưởng tập hợp các bức ảnh của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân – những người có ảnh kỷ niệm với Đại tướng để in thành một cuốn sách ảnh về Đại tướng. Đó là món quà tinh thần vô giá, là tư liệu quý giá của chúng ta có và dành cho ông.
“Những ngày này, bạn bè, đồng nghiệp, bà con Quảng Bình liên tục gọi điện cho tôi hỏi về tin của Đại tướng. Dẫu biết đó là sự thật, là quy luật tất yếu, nhưng ai cũng không khỏi ngỡ ngàng, thương tiếc… Với tôi, ông mãi là vị Đại tướng của nhân dân, là người con kiên trung, vẻ vang của mảnh đất Quảng Bình”.
-
Kiên Trung ghi