Việc làm ý nghĩa và nhân văn của ông Nguyễn Đình Phùng (SN 1943, trú phường An Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nức tiếng cả vùng quê nghèo.
Ông sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, ông Phùng đã tham gia cách mạng. Vào sinh ra tử trong những năm chống Mỹ và trở về với tỷ lệ thương tật 61% (hạng 2/4), người cựu chiến binh tiếp tục thầm lặng cống hiến cho quê hương.
Hạnh phúc vì có vợ con ủng hộ
Từ năm 2016 đến nay, ông đã âm thầm xây dựng 30 cây cầu dân sinh trên khắp các làng quê xứ Quảng.
Ông Phùng kể, năm 2016, người con trai của ông đang lập nghiệp tại TP.HCM đã xây một cây cầu dân sinh miễn phí ở tỉnh Bến Tre. Thấy việc làm này thiết thực, ông liền bàn với vợ và người bạn thân tên Hiệp, cùng tích cóp xây cầu tặng quê hương.
Vợ ông từng là giáo viên cấp 2. Hai ông bà sinh được hai con gái và một con trai. Hiện cả ba người con đều đã lập gia đình và thành đạt.
8 năm qua, trên chiếc xe máy cọc cạch, ông Phùng rong ruổi khắp các vùng quê để khảo sát. Thấy nơi nào có cầu tạm nguy hiểm, ông chủ động đặt vấn đề với địa phương, rồi bàn phương án thiết kế, xây dựng cầu.
Dự toán hoàn tất, ông ký hợp đồng với thợ theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Cây cầu có chi phí xây dựng thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất khoảng 90 triệu đồng.
Toàn bộ đều là tiền dưỡng già và lương hưu được vợ chồng ông Phùng tự bỏ ra. Đứng sau lưng là cậu con trai út của ông. Mỗi khi không đủ kinh phí, ông “mượn” tiền của con để xây cầu trước, sau đó “trả góp” bằng lương hưu.
“Tôi hạnh phúc vì có vợ và các con luôn đồng hành, ủng hộ việc xây cầu tặng bà con quê hương. Giờ thân thể mình ọp ẹp, đi không vững nữa, nhưng còn giúp đời được gì thì cố gắng thôi, chết rồi có mang tiền theo được đâu”, ông Phùng trải lòng.
Cây cầu đầu tiên được làm vào năm 2016, tại phường Trường Xuân, cách trung tâm TP Tam Kỳ 7km. Nơi xa nhất mà cầu ông "bắc" tới là ở huyện Tiên Phước, cách nhà khoảng 40km.
Đến nay, ông Phùng đã xây dựng được 30 cây cầu dân sinh trên khắp vùng quê Phú Ninh, Tiên Phước, Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình…
Điều ông tâm đắc là tất cả những cây cầu này đều hoàn thành và được đưa vào phục vụ người dân đúng vào những ngày lễ lớn của đất nước. Mới đây nhất, cây cầu “Phùng Hiệp 30” được khánh thành tại xã Bình Phục (huyện Thăng Bình), nhân ngày quốc tế Thiếu nhi (1/6/2023).
Ông Phùng dự kiến sẽ tiếp tục khởi công cây cầu thứ 31 tại xã Tam Phú (TP Tam Kỳ) vào dịp lễ 30/4 tới đây.
Mục tiêu xây được 50 cây cầu
Mỗi khi một cây cầu được hoàn thành, người dân đi lại thuận lợi, chính quyền đồng tình, hưởng ứng. Đó chính là niềm vui, động lực thôi thúc ông lão tóc bạc tiếp tục hành trình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Không ngại trời nắng gắt hay mưa gió, có những ngày, ông vượt cả trăm cây số đến giám sát công trình và kiểm tra chất lượng từng cây cầu đã được đưa vào sử dụng.
Lý giải việc tất cả cầu đều mang tên “Phùng Hiệp”, ông bảo "Phùng" là tên mình, còn "Hiệp" là tên người bạn quá cố. Đây cũng là người góp kinh phí đồng hành cùng ông xây cây cầu đầu tiên.
“Tôi từng hứa với bạn Hiệp là sẽ xây dựng được 50 cây cầu. Vì vậy, mỗi cây cầu hoàn thành, không chỉ là niềm vui của bà con, mà còn là hạnh phúc của tôi vì đang tiến gần đến lời hứa đó”, ông Phùng bộc bạch.
Đến nay, dù bước qua tuổi 80, sức khỏe giảm sút, nhưng ông Phùng chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng xây cầu giúp dân. Ông bảo, mỗi người có một cách hưởng thụ tuổi già khác nhau, với ông, đi làm cầu chính là niềm vui.
“Nói thật, giờ tuổi lớn rồi, cũng không biết lúc nào nằm xuống, nhưng mục tiêu của tôi vẫn là cây cầu số 50”, ông Phùng cười hiền.
Ngoài việc xây cầu, ông Phùng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Ông đang nhận đỡ đầu cho hai em nhỏ bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn tại huyện Thăng Bình. Mỗi năm, ông còn hỗ trợ 50 - 100 suất quà Tết cho người nghèo, tặng học bổng cho các cháu học sinh…
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Hồng Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) cho biết, tính đến nay, ông Phùng đã tài trợ xây 10 cầu dân sinh tại địa phương.
“Việc làm của ông Phùng rất nhân văn và có hiệu quả thiết thực. Những cây cầu này không chỉ giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận lợi hơn, mà còn góp sức thay đổi diện mạo và đồng bộ hạ tầng giao thông vùng nông thôn", ông Long chia sẻ.