Những sự cố nhỏ, tình cờ, sẽ không khiến bộ máy tàn lụi, mà thậm chí còn tạo ra những kháng thể cho bộ máy, giúp nó hoàn chỉnh dần lên. Một khi ngân hàng phải tự bảo vệ sự sinh tồn của mình, nó sẽ học được cách phản ứng nhanh nhạy, tức thời, phải biết tự bảo vệ mình.
LTS: Xung quanh chủ đề chống độc quyền, tạo môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Tuần Việt Nam vừa nhận được bài viết của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về vấn đề mở cửa cho kinh tế tư nhân phát triển.
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết dưới đây. Và hy vọng nhận được các ý kiến tham góp xung quanh chủ đề này của bạn đọc gần xa, nhất là của những doanh nghiệp tư nhân.
Khi tôi còn trẻ, tôi có đọc được một câu Karl Marx viết: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm”. Lúc đó tôi cứ hoài nghi mãi. Nói họ sống vì lợi nhuận thì còn được, chứ chết vì lợi nhuận thì nghe có vẻ vô lý quá. Nhưng sau này tôi mới hiểu ra, hình ảnh “treo cổ những nhà tư bản” mà Marx muốn nói là một sự phủ định. Tức là những nhà tư bản sẵn sàng phủ định chính mình vì sự phát triển, và “lợi nhuận” chỉ là một cách nói, một cách ví von về sự phát triển.
Dám nghĩ, dám thay đổi- đúng đắn đến nhường nào
Tôi đi làm kinh tế tư nhân từ khi người ta còn cấm Đảng viên làm kinh tế. Tôi tham gia lĩnh vực kinh doanh tài chính từ những ngày đầu khi các ngân hàng tư nhân mới bắt đầu hình thành. Và tôi muốn bắt đầu câu chuyện từ chính chỗ này.
Ông Lê Kiên Thành. Ảnh: Minh Trí/ Một Thế giới |
Ngày xưa khi chúng ta mới mở cửa, thì vẫn có quan niệm cho rằng, tư nhân có thể làm tất cả, trừ kinh doanh tài chính. Thời điểm chưa có ngân hàng tư nhân nào ra đời, tôi nghe các chuyên gia kinh tế nói rằng: Đất nước mở cửa rồi, cho tư nhân bán phở đi, cho tư nhân sản xuất đi, nhưng tài chính là cái cốt lõi để làm nên CNXH và sẽ chi phối tất cả thì tư nhân không được tham gia.
Nhưng rồi đến một thời điểm, đã có những người dám nghĩ rằng với sự kiểm soát chặt chẽ, thì ngay cả một lĩnh vực nhạy cảm như tài chính cũng có thể cho phép tư nhân vào cuộc. Cuối cùng đã có một người dám tư duy theo một cách hoàn toàn khác với tư duy cũ: Anh tư nhân có thể làm ngân hàng, nhưng tôi sẽ kiểm soát về mặt lãi suất, về mặt con người. Tổng Giám đốc của ngân hàng tư nhân cũng phải do nhà nước chỉ định; chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng phải do Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
Và cứ nhìn vào những gì mà quyết định đó mang lại trong suốt mấy chục năm qua, thì sẽ thấy việc dám nghĩ, dám thay đổi đúng đắn đến nhường nào.
Tuy rằng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm và không tránh khỏi việc bộc lộ những nhược điểm, nhưng những tác động tích cực của sự ra đời các ngân hàng tư nhân vào đời sống là vô cùng rõ ràng.
Khi chúng ta chủ trương để các ngân hàng tư nhân phát triển, toàn bộ tài chính lưu thông mạnh mẽ hơn, kích thích cả bên khối ngân hàng quốc doanh phải kinh doanh hiệu quả hơn nếu muốn tồn tại. Trước đó, chúng ta chỉ có những quỹ tín dụng nhân dân vì người ta cho rằng mô hình đó dễ kiểm soát, bởi nó rất đơn sơ. Nhưng sự thật là sự đơn sơ đó đã xảy ra thiệt hại khôn lường, khi mà các qũy tín dụng nhân dân đã vỡ nợ tràn lan do cơ chế quản lý quá đơn giản và yếu kém.
Những con châu chấu và những con người
Tôi luôn có sự liên tưởng giữa những doanh nghiệp lớn đã từng “đổ bể” ở nước ta với những quỹ tín dụng nhân dân đơn sơ từng đổ bể năm nào. Hệt như những con châu chấu và những con người.
Con châu chấu dù lớn đến mấy cũng chỉ là con châu chấu: Tim chỉ 02 ngăn, máu vẫn là màu xanh, không có lục phủ ngũ tạng. Cơ chế vận hành của nó đơn sơ như vậy nên chỉ cần trái gió trở trời là nó chết. Con người thì khác, vì con người có một cơ chế vận hành tinh vi vô cùng.
Nói thế không có nghĩa là không có con người chết, không có ngân hàng “thăng trầm”, vì bộ máy nào cũng sẽ có những khiếm khuyết nhất định. Nhưng khi mà anh dám tổ chức ra một ngân hàng hoàn chỉnh, tinh vi như bộ máy của con người, thì những nguy cơ sẽ được hạn chế đến mức tối đa.
Những sự cố nhỏ, tình cờ, sẽ không khiến bộ máy tàn lụi, mà thậm chí còn tạo ra những kháng thể cho bộ máy, giúp nó hoàn chỉnh dần lên. Một khi ngân hàng phải tự bảo vệ sự sinh tồn của mình, nó sẽ học được cách phản ứng nhanh nhạy, tức thời, phải biết tự bảo vệ mình. Đó là bài học quý giá từ thực tiễn. Nó giống như việc chúng ta đi tiêm chủng hàng năm, chúng ta cấy virus vào người để tạo ra kháng thể. Kháng thể đó bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ bệnh tật.
Mỗi khi nhìn lại những gì chúng ta đã mạnh dạn thay đổi ở lĩnh vực ngân hàng, tôi lại băn khoăn không cắt nghĩa nổi tại sao chúng ta lại không làm được việc đó với những bộ phận khác của nền kinh tế? Tại sao chúng ta trong suốt bao năm qua vẫn tìm mọi cách bảo vệ, che chở cho những doanh nghiệp nhà nước như bảo vệ một bào thai trong bụng mẹ, dù chúng ta đã có đủ bài học nhãn tiền khi mà sự che chở vô lý đó đã vô tình tạo ra những hậu quả khôn lường?
(còn nữa)
Tô Lan Hương ghi
Đọc thêm các bài trong loạt bài Chống độc quyền: >> Chống độc quyền... kiểu Việt Nam >> Cái giá phải trả của sự độc quyền kinh tế >> Đừng ngại mất phiếu, mất ghế |