Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa báo cáo Quốc hội về công tác của Viện trưởng tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc vào ngày 22/5).
Điểm danh các tập đoàn lớn nhúng chàm
Ông Lê Minh Trí cho biết, tình hình tội phạm trong 6 tháng (tính từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/3/2023) tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng nhiều nhất. 19.553 vụ án đã được khởi tố (tăng 36,1%), xảy ra trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, đấu thầu, mua sắm tài sản công nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Ông Trí dẫn chứng điển hình như vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ.
Hay vụ án Trương Mỹ Lan, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018-2019…
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cảnh báo tình trạng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ, đòi nợ thuê cho cá nhân, tổ chức núp bóng doanh nghiệp.
Cụ thể như vụ án Nguyễn Quốc Hùng thuê pháp nhân đứng tên Công ty TNHH Luật Việt Pháp (TP HCM) ký hợp đồng tư vấn pháp lý với các ngân hàng, công ty tài chính thực chất là đòi nợ thuê, nhận công 20-35% số tiền đòi được, hưởng lợi hơn 73 tỷ đồng.
Vụ án công ty cổ phần kinh doanh F88 đăng ký kinh doanh cầm đồ, cầm cố tài sản, tổ chức phân công các đối tượng liên hệ, nhắn tin, đe doạ người vay, người thân của họ để đòi nợ khi không thanh toán đúng hạn…
Với tội phạm tham nhũng, chức vụ, theo ông Lê Minh Trí, đã khởi tố mới 459 vụ (tăng 109,6%). Trong đó, tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ Nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thời gian qua, Viện KSND Tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
Viện trưởng VKSND Tối cao tiếp tục đề cập đến thực tế mà ông đã nhiều lần nêu tại Quốc hội. Đó là cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi.
Cụ thể là Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, ông cho rằng, trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục. Đây cũng là đề nghị được ông đưa ra nhiều lần tại Quốc hội.
Khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí”
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông Lê Minh Trí đề cập đến việc nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong công việc.
Trong công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ, ông nhấn mạnh đến việc phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”; đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo toàn diện cán bộ theo phương châm “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc”; khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác”.
Điều này nhằm phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; đồng thời quan tâm bảo vệ cán bộ làm tốt, làm đúng nhưng do có va chạm trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Trí cũng cho hay, Ban Cán sự đảng VKSND Tối cao cũng ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ, trong đó chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và thủ trưởng các đơn vị ở cấp tối cao, người đứng đầu các cấp kiểm sát; nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên các cấp...
Đi cùng là tăng cường công tác thanh tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề; gắn công tác thanh tra với kiểm tra đảng để xác minh làm rõ và xử lý vi phạm đối với người vi phạm là cán bộ, đảng viên.
Trong thời gian tới, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cam kết sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thường xuyên rà soát đánh giá cán bộ để quy hoạch, đào tạo gắn với yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên trong toàn ngành.
Trong kỳ báo cáo, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 483 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, tăng 36,8% (trong đó, có 81 vụ việc có dấu hiệu tội phạm do các cơ quan Nhà nước, thanh tra, kiểm toán kiến nghị Viện kiểm sát). Cùng với đó, thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố 374 vụ việc tham nhũng, kinh tế với 1.015 bị can, đã giải quyết 307 vụ/806 bị can (đạt tỷ lệ 82,1%); tòa án đã xét xử sơ thẩm 214 vụ/511 bị cáo (đạt tỷ lệ 55,3%). Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thu hồi được hơn 376.000 tỷ đồng; tạm giữ 11.453.610 USD, 10 triệu Yên Nhật, 63.900 Euro, 117 kg vàng, 179.245 m3 gỗ; kê biên 80 bất động sản, 5 ô tô và 4.466.966 cổ phần, cổ phiếu... |
Ông Lê Minh Trí: Hạn chế tối đa bỏ lọt tội phạm vụ AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma
Viện trưởng Lê Minh Trí nói về '17 trường hợp bị oan' khi điều tra, truy tố
Ông Lê Minh Trí nói về vụ Viện trưởng ở thị xã Trảng Bàng sàm sỡ cấp dưới
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022, ông Lê Minh Trí cho rằng khi cán bộ trong ngành bị tố cáo thì cần phải xử lý chặt chẽ, có tâm.