Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/3 tới đây.

Rất coi trọng công tác cán bộ

Ông Lê Minh Trí chia sẻ, ngành KSND với hoạt động đặc thù với khối lượng công việc lớn nhưng hiện nay ngành đang thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không được thực hiện theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như Cơ quan điều tra trong Công an, Quân đội nên cũng là khó khăn lớn.

Cùng với đó, yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, yêu cầu pháp luật về bảo vệ con người ngày càng cao, nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có thể bị xử lý hình sự nếu để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm càng tạo áp lực lớn đến tâm lý của Kiểm sát viên.

“Đây là những khó khăn, thách thức đối với ngành Kiểm sát nhân dân”, Viện trưởng VKSND tối cao chia sẻ.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí

Để nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Viện trưởng cho hay, rất coi trọng công tác cán bộ. Đặc biệt, công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ trong từng khâu, lĩnh vực công tác được thông qua phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”. 

Việc đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi nhiều vị trí công tác để đào tạo toàn diện cán bộ theo phương châm “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc”.

Cùng với đó là khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác” nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ…

Nhờ đó, kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử. Số kiến nghị của VKSND yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm tăng và hầu hết đều được thực hiện. 

Trong đó, VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma. 

Các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Trí cũng nhìn nhận còn có tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số trường hợp Toà án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố. 

Bổ sung các nhân tố mới, đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ còn hạn chế

Về công tác cán bộ của ngành và việc phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm sát, ông Lê Minh Trí cho biết, Viện đã chủ động rà soát nguồn quy hoạch hiện có trên cơ sở đó có điều chỉnh, bổ sung các nhân tố mới và đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp còn hạn chế hoặc hết tuổi.

Đồng thời có chủ trương tăng cường luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ và qua đó lựa chọn cán bộ thực sự nổi trội trong danh sách quy hoạch để bố trí, phân công nhiệm vụ ở các địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng hoặc lĩnh vực cần phải đổi mới, đột phá.

Cùng với đó là mạnh dạn giao việc khó để đào tạo, rèn luyện thử thách qua thực tiễn; từ đó có cơ sở để đánh giá cán bộ về năng lực, hiệu quả công tác so với người tiền nhiệm và bằng các sản phẩm cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Khi có yêu cầu bố trí cán bộ ở chức vụ cao hơn hoặc đảm nhiệm vị trí quan trọng hơn sẽ đảm bảo có sức thuyết phục. 

Đối với cán bộ mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp sẽ được biệt phái đến VKSND địa phương ít nhất 12 tháng để trực tiếp làm công tác nghiệp vụ. Đối với một số cán bộ trẻ có năng lực, chưa qua cơ sở thì biệt phái đến VKSND địa phương để được rèn luyện qua thực tiễn.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, ngành luôn gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Ngành, đơn vị các cấp kiểm sát. Nhiều năm qua, Viện trưởng luôn chỉ đạo phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu người đứng đầu các cấp kiểm sát phải chịu trách nhiệm toàn diện.

Đồng thời coi trọng kiểm tra, giám sát và xác định rõ người đứng đầu phải tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra để chủ động phòng ngừa, chủ động phát hiện ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm, những trường hợp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ đơn vị mình phụ trách. 

Gắn công tác thanh tra với kiểm tra đảng để xác minh làm rõ và xử lý vi phạm đối với người vi phạm là cán bộ, đảng viên. Những đơn vị nào lãnh đạo chủ động phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm thì căn cứ tính chất mức độ, hậu quả của vi phạm được ngăn chặn, khắc phục sẽ không đánh giá vào thành tích thi đua của đơn vị. 

Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó.