“Ở Hội An không có văn hóa phong bì giữa doanh nghiệp với các quan chức. Nếu có cũng chỉ rơi rớt ở vài trường hợp cá biệt” – vị Bí thư Hội An Nguyễn Sự cho biết. Ông là người nổi tiếng về lời kêu gọi công chức đi làm bằng xe đạp và cấm nhận phong bì ở Hội An. Bài phỏng vấn đầy đủ của PV Lan Hương được đăng trên An ninh Thế giới, tiêu đề Một Thế Giới đặt lại.
Thú thật là tôi đã rất tò mò về ông, thậm chí là thấy khó tin, khi đồng nghiệp của tôi kể rằng gia đình ông sống trong một ngôi nhà lợp mái gianh rất bình thường...
Bí Thư Hội An Nguyễn Sự: Đó là chuyện của 6 năm trước đây. Bây giờ gia đình tôi ở trong môt ngôi nhà cấp 4. Tôi thấy điều đó cũng bình thường và không có gì khó tin cả.
Khó tin bởi Hội An là một mảnh đất du lịch cực kỳ phát triển. Nhiều doanh nghiêp muốn đầu tư vào đây, mà chúng ta đều không lạ gì cơ chế bôi trơn coi như đã trở thành một thứ “văn hoá” ở xã hội mình. Lẽ nào các doanh nghiệp đến Hội An đầu tư lại cho ông là ngoại lệ?
- Ở Hội An, doanh nghiệp cũng tìm cách gặp tôi. Họ tiếp cận tôi khi tôi ngồi uống cafe chẳng hạn. Thậm chí có khó khăn gì, doanh nghiệp có thể tìm đến nhà tôi. Nhưng có một điều rất rõ ràng mà chúng tôi quy định với doanh nghiệp: Thứ nhất, khi anh đến Hội An đầu tư, có những điều kiện bắt buộc mà chúng tôi đặt ra với anh, anh buộc phải tuân theo. Đó là quy định của Hội An. Nếu anh chấp nhận những cái đó, anh cứ vô Hội An anh làm. Nếu vi phạm, anh không thể tiếp tục tồn tại ở Hội An được nữa.
Ở Hội An không có văn hóa phong bì giữa doanh nghiệp với các quan chức. Nếu có cũng chỉ rơi rớt ở vài trường hợp cá biệt. Có những doanh nghiệp mới đến Hội An, chưa biết cách làm việc của chúng tôi cũng đến gặp tôi và tìm cách đưa phong bì. Tôi rất thẳng thắn với họ: nếu anh đến Hội An mà giữ cách làm việc này thì người đầu tiên không đồng ý cho anh đầu tư vào Hội An là tôi. Chúng tôi không chấp nhận anh. Bất cứ một người lãnh đạo nào có tự trọng thì sẽ đều làm như vậy, tôi tin thế!
Nhưng bản chất của con người là luôn có ham muốn. Lẽ nào trong suốt mấy chục năm qua, không có lúc nào đó ông cảm thấy mình đứng ở ranh giới lựa chọn giữa việc làm một ông quan thanh liêm và một ông quan giàu có?
Tôi không thích từ “quan thanh liêm”. Bởi tôi nghĩ Đảng đặt mình vào vị trí đó, dân đặt mình vào vị trí đó đâu phải để mình không thanh liêm, đâu phải để mình không đàng hoàng, ngay thẳng? Tôi nghĩ “quan không thanh liêm” mới là sự bất thường, vậy mà giờ đây chúng ta dùng từ “quan thanh liêm” để nói về một sự bất thường.
Khi nói bản thân một quan chức không giàu có, nhiều người sẽ không tin. Nhưng thưc tế chuyện không giàu có là bình thường vì với đồng lương, thu nhập như thế giàu sao được?! Vậy mà chúng ta lại nhìn một quan chức không giàu có như môt thằng cha trên trời rơi xuống! Sự ngay ngắn đáng lẽ là điều bình thường giờ lại trở thành cái không bình thường. Đó chính là sự “bất thường" trong tư duy của chúng ta hôm nay, và kể cả báo chí các bạn cũng mắc lỗi đó. Nếu có ai hỏi tại sao ông làm quan mà lại ở cái nhà như thế này? Tôi chắc sẽ hỏi lại tại sao ông làm quan chức mà lại ở cái nhà to như thế này?
Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự: "Đôi khi (túi tôi) có vài ba triệu, đôi khi chẳng có đồng xu nào cả" |
Tôi chống lại sự cám dỗ một cách đơn giản: tôi nhớ một điều rằng cái gì không phải của tôi thì tôi không xài. Người ta đưa cho tôi cái phong bì dày hay mỏng không quan trọng, nhưng tôi biết số tiền trong cái phong bì đó không phải của tôi, tôi không dùng và không bận tâm nó là bao nhiêu.
Tôi luôn tâm niệm hai chữ “tri túc” - biết thế nào là đủ. Tôi thường ngẫm nghĩ khi tôi nghèo khổ, tôi ở nhà tranh, tôi không thấy mình hèn. Đến hôm nay, đồng lương cải thiện, biết tiết kiệm, tôi đã xây được cái nhà cấp 4, tôi cũng không thấy mình sang hơn. Bản thân ông Sự cũng không vì cái nhà mà trở nên to hơn. Ngay cả lúc dù cuộc sống đung đâu thiếu đó, tôi cũng vẫn thấy mình đủ. Đó là tri túc. Và tôi luôn đặt chữ “tri túc” trước mặt để răn mình. Ai thấy tiền cũng ham, nhưng nếu anh từ chối được một lần thì sẽ từ chối được những lần sau. Nếu anh đã lỡ nhận lần đầu tiên, thì những lần sau anh sẽ vi phạm.
Khi gia đình ông sống trong một ngôi nhà cấp 4, thì nhiêu quan chức khác có xe hơi, có biệt thự; vợ con họ đi du lịch trong nước, ngoài nước. Lẽ nào điều đó không khiến vợ ông chạnh lòng?
Cũng có thể vì vợ tôi hiểu chồng nên không bao giờ đòi hỏi, trách móc chồng về chuyện đó. Đó cũng là niềm vui, là may mắn của tôi. Có thể vợ tôi cũng có suy nghĩ, cũng có mơ ước, nhưng vợ tôi ủng hộ và có chung quan điểm với tôi: cái gì không phải của mình đừng có xài. Nhận tiền của người ta như nhận lấy món nợ vào đời mình.
Tôi nghĩ, món nợ ân tình thì đời mình trả không xong, đời con mình sẽ trả. Nhưng món nợ vật chất, trả bao nhiêu cũng sẽ mãi mang tiếng. Mà không có cái đó chúng tôi đâu có chết. Không có biệt thự, không có ô tô, không đi nước ngoài, chúng tôi vẫn sống bình thường. Dĩ nhiên nghèo đến mức ra đường không có đồng bạc trong túi uống café, hay không có tiền sửa xe thì không được. Nhưng đồng lương của tôi đủ để tôi không nghèo đến mức đó. Như ở Hội An này chẳng hạn, tôi chỉ cần vài ba trăm trong túi là yên tâm...
Liệu tôi có thể tò mò hỏi ông, trong túi ông thường có bao nhiêu tiền được không?
Đôi khi có vài ba triệu, đôi khi chẳng có đồng xu nào cả. Nhưng nói thật là tôi không bận tâm điều đó. Khi tôi cần mua gì đó, lục ví ra không còn đủ tiền thì tôi không mua.
Ông cũng là quan chức, người ta cũng là quan chức, nhưng trong khi ông sống trong một ngôi nhà cấp 4, đi xe đạp đi làm, ăn mặc xuề xòa, uống café vỉa hè và trong túi chỉ có vài trăm bạc thì nhiều quan chức có biệt thự nọ, xe hơi kia, có đất đai bạt ngàn, ông có thấy tủi thân hay giận dữ không?
Nếu họ giàu chính đáng thì không sao. Nhưng nếu họ lợi dụng chức quyền của mình, thì đó là điều đáng giận dữ. Dân sẽ mất lòng tin, mà khi dân không tin, thì nói dân không nghe. Khi hình ảnh người cán bộ trong dân không còn trong sáng, dân sẽ không còn tin chính quyền nữa.
Còn chuyện tủi thân thì không. Tôi tin cuộc đời không cho không ai cái gì cả. Các cụ dạy “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, nhưng đời cha ăn mặn chưa kịp bỏ đũa có thể đã khát nước rồi. Tôi tin tiền bạc là thứ dễ kiếm nếu mất đi. Nhưng danh dự, nhân phẩm thì không. Nếu tôi không làm quan chức một cách ngay ngắn, con cháu tôi sau này sẽ phải chịu tiếng xấu cả đời.
Tôi suy nghĩ thế này: nếu cha mẹ không thể để lại cho con cháu lòng tự hào, thì cũng đừng để tiếng xấu cho con. Tôi muốn để lại cho con mình lòng tự hào, chứ không phải tiếng xấu để đời đó. Mà trong đời mình tôi sợ nhất là con mình khinh mình. Đó là bi kịch. Những đứa con là người biết rõ hơn ai hết cha nó là người ngay ngắn hay không. Tôi dạy con mình sống đàng hoàng, không được uống rượu, không được đánh bạc, thì tôi phải là tấm gương đã. Nếu để con tôi về nói với tôi: Ba ơi, ba dạy con như thế nhưng ba vẫn nhận tiến thiên hạ thì ba dạy con bằng cái gì?
(Theo An Ninh Thế Giới)