Facebook hôm 18/6 thông báo gỡ bỏ quảng cáo từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump do có chứa biểu tượng phát xít, vi phạm chính sách của công ty. Các quảng cáo này sử dụng hình tam giác màu đỏ hướng xuống dưới, được phát xít dùng để phân loại tù nhân chính trị trong các trại tập trung. Theo Ad Library của Facebook, một quảng cáo của ông có thể đã tiếp cận 1 triệu người dùng.
Quyết định của Facebook được đưa ra sau khi mạng xã hội này bị chỉ trích bởi cả nhân viên lẫn đối tác vì không có hành động gì trước bài viết gây tranh cãi của ông Trump trước đó. Bài viết của Tổng thống Mỹ có câu “súng nổ khi cướp bóc bắt đầu”. Facebook còn bị phản đối vì chính sách chạy quảng cáo chính trị chứa phát ngôn sai sự thật và CEO Mark Zuckerberg kiên trì quan điểm công ty không nên là “trọng tài sự thật”.
Facebook không phải mạng xã hội duy nhất “tuýt còi” ông Trump. Twitter đã gắn nhãn “lôi kéo truyền thông” đối với bài chia sẻ video giả mạo. Video chiếu cảnh một em bé người da trắng đuổi theo một em bé người da đen trên đường, phía dưới chạy chữ “đứa trẻ hoảng sợ đang chạy trốn khỏi đứa trẻ phân biệt chủng tộc”. Video được chỉnh sửa để nó như thể là video của kênh CNN. Cuối video, hai đứa trẻ bất ngờ không đuổi bắt nữa mà quay lại ôm nhau. Video kết bằng dòng chữ “Nước Mỹ không phải vấn đề. Tin giả mới là vấn đề”. Điều hài hước là video này chính là một loại tin giả.
Twitter gắn nhãn “lôi kéo truyền thông” nếu bài viết chứa phương tiện truyền thông như video, âm thanh, hình ảnh được thay đổi hoàn toàn hay có tính lừa bịp. Người dùng bị cấm chia sẻ chúng trên Twitter theo cách gây nhầm lẫn hay lừa dối mọi người về tính xác thực.
Thực tế, CNN đã đưa tin về hai đứa trẻ - Maxwell và Finnegan – vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, CNN đưa đúng như những gì đã xảy ra, rằng hai đứa trẻ là bạn của nhau, khác với video chỉnh sửa mà ông Trump chia sẻ. Video “gây bão” năm ngoái và gần đây nổi tiếng trở lại sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Vụ việc làm dấy lên tranh luận về bất bình đẳng chủng tộc và chiến dịch Black Lives Matter.
Đây không phải lần đầu tiên Twitter hành động đối với bài viết của ông Trump. Hai tweet về phiếu bầu qua thư của ông cũng bị gắn nhãn “xác minh sự thật”.
Du Lam (Theo CNBC)
Chính quyền Tổng thống Trump bị kiện vì sắc lệnh mạng xã hội
Một tổ chức vận động chính sách công nghệ đã kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vì sắc lệnh mạng xã hội vừa được ký.