Theo hãng tin Bloomberg, các hãng kể trên sẽ bị đưa vào danh sách ngày càng dài các thực thể công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với sức ép kinh tế, cấm vận và lệnh cấm ở Mỹ, trong đó có Huawei, TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Mặc dù TikTok đã đạt được một thỏa thuận để các hoạt động của hãng tại Mỹ được Oracle và Walmart mua lại, đồng thời một tòa án liên bang Mỹ cũng đã đình chỉ tạm thời lệnh cấm WeChat, song việc xuất hiện các biện pháp mới cho thấy căng thẳng kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh khó có thể hạ nhiệt sớm.
Hiện giới ngoại giao và quan sát đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, nhưng các vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa sự cởi mở kinh tế và an ninh quốc gia vẫn sẽ tồn tại bất kể ai nắm giữ Nhà Trắng. Tín hiệu hiện tại được phát đi từ Washington là những lo ngại về an ninh quốc gia đang lớn hơn lợi nhuận tài chính có được từ hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc ở Mỹ.
Động cơ nhắm đến các nền tảng thanh toán kỹ thuật số của Ant Group và Tencent được cho là giống như với ứng dụng nhắn tin đa tính năng WeChat và ứng dụng chia sẻ video TikTok. Chính quyền Donald Trump viện dẫn lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu của những người dùng các ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số do Trung Quốc sở hữu và phát triển.
Chẳng hạn, lệnh của Tổng thống Mỹ về "giải quyết mối đe dọa do WeChat gây ra" đã chỉ rõ rằng các ứng dụng này tự động thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
WeChat có hơn một tỷ người sử dụng đăng ký trên toàn thế giới, trong đó ước tính có khoảng 19 triệu người ở Mỹ. Mặc dù bị tòa tạm dừng, lệnh cấm đối với WeChat vẫn có thể sẽ gây khó khăn hơn cho cộng đồng người Hoa. Ở một mức độ nhất định, nó thể hiện "một lệnh cấm đối với công ty truyền thông kỹ thuật số lớn nhất thế giới không phải của phương Tây", Layne Vandenberg viết cho Diplomat.
Hành động chống lại các công ty công nghệ này dường như phù hợp với chương trình Mạng sạch rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Trump, vốn được thiết kế để xử lý các mối đe dọa đối với quyền riêng tư dữ liệu, bảo mật và bảo vệ thông tin nhạy cảm của người dân cũng như của các công ty Mỹ khỏi những tác nhân xấu. Mục tiêu của chương trình này là "nhà mạng sạch, ứng dụng sạch, cửa hàng sạch, đám mây sạch, cáp sạch, đường dẫn sạch".
Chính quyền Trump được cho là đang cân nhắc các công cụ pháp lý tiềm tàng mà họ có thể sử dụng để thực hiện hành động. Những công cụ đó có thể thuộc diện các biện pháp bảo vệ chuỗi cung ứng kỹ thuật số, thông qua các chỉ thị của tổng thống, như từng được dùng trong trường hợp của TikTok và WeChat, hoặc đặt các công ty vào danh sách đặc biệt của Bộ Tài chính, theo đó sẽ cấm các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với họ.
Tuy nhiên, không giống như WeChat và TikTok vốn có sự hiện diện tương đối lớn ở Mỹ và trên toàn cầu, các nền tảng thanh toán của Ant Group và Tencent Holdings Ltd. chủ yếu dành cho thị trường nội địa Trung Quốc. Hai nền tảng thanh toán này chủ yếu được người dân Trung Quốc sử dụng và yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Tỷ lệ tương tác nhỏ của các nền tảng thanh toán ở Mỹ phần lớn là giữa các nhà buôn Mỹ với du khách và doanh nghiệp Trung Quốc.
Ant Group là một chi nhánh thuộc tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma. Mặc dù Alibaba đã gây được tiếng vang lớn khi mở rộng tại Mỹ vào tháng 7/2019, song Ant Group đạt chưa đến 5% doanh thu của mình bên ngoài Trung Quốc. Một số công ty Mỹ đã đổ hàng triệu đôla đầu tư vào Ant, kỳ vọng về lợi nhuận tiềm năng của một đợt IPO niêm yết kép trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Hiện công ty đang tìm cách huy động 35 tỷ USD trong đợt IPO có thể là lớn nhất thế giới trong mùa thu này.
Trong khi đó, Tencent là một tập đoàn lớn mạnh, chủ sở hữu của WeChat và QQ - một nền tảng thanh toán kỹ thuật số được sử dụng nhiều, các studio trò chơi điện tử và các dịch vụ internet khác. Tập đoàn còn đóng vai trò là một nhà đầu tư quan trọng trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc và của châu Á mới đây.
Việc nhắm đến Ant Group và Tencent - hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và những câu chuyện thành công mang tính biểu tượng - có thể sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang rất căng thẳng. Các bước đi của Mỹ, dù vẫn đang được thảo luận, có thể cản trở và làm trì hoãn sự mở rộng trong tương lai của các nền tảng thanh toán này trên toàn cầu, giữa một thời điểm mà Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một trung tâm đổi mới không chỉ ở châu Á mà trên toàn cầu.
Thanh Hảo
Trung Quốc đột ngột dừng nhập than Australia, Canberra đòi giải thích rõ
Các nhà máy điện và nhà máy thép cùng các cảng biển của Trung Quốc vừa được yêu cầu dừng tiếp nhận than của Australia, các nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.
Ông Trump thẳng thừng cảnh báo Trung Quốc
Trong một video vừa đăng lên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quy trách nhiệm cho Trung Quốc về sự lây lan của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.