Preet Bharara, công tố viên cấp cao phụ trách quận Nam của New York (SDNY), thông báo ông đã bị sa thải sau khi từ chối từ chức theo yêu cầu của chính quyền Donald Trump.
"Tôi không từ chức. Ít phút trước tôi bị sa thải", Bharara viết trên tài khoản Twitter của ông chiều 11/3 (giờ Mỹ). "Là chưởng lý Mỹ ở SDNY sẽ mãi là vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp của tôi".
Công tố viên Preet Bharara. (Ảnh: NY Times) |
Việc ông Bharara không chấp nhận từ chức đã gây chú ý cao độ bởi đang có tới 46 chưởng lý trên khắp cả nước Mỹ được yêu cầu phải từ chức vào chiều ngày 10/3.
Một nguồn tin kể với hãng tin CNN rằng, quyền Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Dana Boente đã gọi điện cho Bharara hôm 11/3 để hỏi liệu có đúng ông không chịu từ chức hay không, và Bharara đã trả lời “đúng vậy”. Boente sau đó gọi lại cho Bharara và nói Tổng thống Donald Trump sẽ sa thải ông. Điều này là sau khi Tổng thống đã cố gọi cho Bharara ngày 9/3 nhưng không được và phải để lại tin nhắn thoại.
Bharara thông báo với Chánh văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, nói rằng ông không thể nói chuyện với ông Trump, vì có các quy định cấm các chưởng lý đương nhiệm trò chuyện với tổng thống. Bharara sau đó gọi cho trợ lý của ông Trump giải thích điều này.
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions yêu cầu 46 công tố viên liên bang được "bổ nhiệm chính trị" dưới thời Tổng thống Barack Obama phải nộp đơn từ chức. Nhưng không như những người khác, lý do Bharara bị sa thải bất ngờ đã khiến nhiều người ngạc nhiên, vì công tố viên cấp cao này từng được thông báo sau cuộc gặp với ông Trump hồi tháng 11 rằng ông có thể tiếp tục vị trí.
Khi đó, Thượng nghị sĩ New York Chuck Schumer nói ông Trump đã gọi cho ông trước cuộc gặp, để hỏi ông nghĩ gì khi Bharara tiếp tục chức vụ. "Tôi nói tôi nghĩ Preet rất tuyệt, và tôi hoàn toàn ủng hộ việc ông ấy tiếp tục công việc... Ông ấy là một trong những chưởng lý tốt nhất của Mỹ mà New York thấy".
Preet Bharara đã tạo được danh tiếng nhờ xử lý nhiều vụ tham nhũng, phạm tội ở Phố Wall. Ông cũng truy tố thành công hung thủ âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại, Faisal Shahzad.
Việc Tổng thống Trump sa thải Bharara và yêu cầu hàng loạt công tố viên liên bang từ chức đang làm dấy lên lo ngại về sự vận hành của chính quyền mới.
Các tổng thống Mỹ trước đây thường đề nghị các công tố viên liên bang tiếp tục làm việc cho đến khi người thay thế được Thượng viện phê chuẩn. Còn Tổng thống Trump vẫn chưa đề cử được ứng viên nào cho 93 ghế công tố viên liên bang. Đến nay đã có 47 người tự nguyện từ chức. Trong khi đó, nhiều vị trí chủ chốt tại các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng chưa được bổ sung.
Thanh Hảo