Cá chết thì không thể sống lại. Nhưng môi trường biển chết và DN “chết” vẫn có cơ cải tử hoàn sinh, tùy thuộc vào sự đổi mới tư duy và hành động của nước Việt.

Có thể hay… không thể?

Sau những chấn động về các đợt cá chết ở các tỉnh miền Trung, biển dường như đã xanh trong trở lại. Đây là lúc các cơ quan chức năng xung quanh vụ “biển bị bức tử” tiếp tục rốt ráo vào cuộc.

Bởi sự an lành của sự sống con người. Của sự phát triển kinh tế biển, và kinh tế du lịch. Quan trọng hơn là tâm lý XH. Con người bình an hay bất an, XH sẽ bình an và ngược lại…

Điều bí ẩn cần sự minh bạch

“Không ai được bao che!”- là chỉ đạo nghiêm khắc của người đứng đầu CP trong cuộc họp với lãnh đạo các địa phương ở Hà Tĩnh, sau cơn sốc dữ dội của cả nước về vụ cá chết.

Phải thẳng thắn mà nói, các cơ quan chức năng đã khá lúng túng, chậm vào cuộc trước sự khẩn thiết của vụ việc, cùng nỗi đau xót của XH, không chỉ ngư dân ven biển, những người mà biển là “nồi cơm” của họ.

{keywords}

Tại cuộc họp, ông yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương phải điều tra làm rõ nguyên nhân gây sự cố này. Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che, không để sự cố môi trường tương tự xảy ra (VietNamNet, ngày 01/5).

Đây cũng chính là đòi hỏi của người dân cả nước, trước vụ việc quá nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 30/4, trả lời báo Tuổi trẻ, sau khi kiểm tra trực tiếp Formosa, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN&MT khẳng định pháp luật VN không cho phép (việc đặt ống thái ngầm, xả thải ngầm) vì Điều 101 Luật Bảo vệ MT có hiệu lực từ năm 2015 đã quy định, bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng.

Người viết bài đã trực tiếp hỏi chuyện TS Tô Văn Trường, ông cho biết, quan trọng hơn là cách kiểm soát khối lượng, chất lượng nước thải thông qua các biện pháp quan trắc môi trường. Vì trên thế giới, nhiều nước vẫn cho đặt đường ống ngầm xả thải ra biển nhưng có quy định kiểm soát chặt chẽ giám sát chất lượng nước xả,kể cả trạm giám sát tự động và kiểm tra thường xuyên.

Vấn đề ở đây là cần làm rõ tất cả hệ thống xả thải không phải là ngầm. Trên bề mặt nổi, dễ kiểm soát là ngay ở bể xử lý nước thải, sau khi đạt tiêu chuẩn mới đưa vào đường ống ngầm.Cơ quan quản lý phải vừa có biện pháp chủ động giám sát vừa bắt buộc chủ DN lắp thiết bị quan trắc/giám sát truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan quản lý, chứ đừng trông mong vào sự tự giác của chủ DN.

Như vậy, ống xả ngầm không phải là… thủ phạm, mà thủ phạm là chất lượng nước thải trước khi đưa vào ống xả, có được xử lý và xử lý ra sao?

Đây cũng chính là điều bí ẩn, rất cần sự minh bạch.

Ngoài việc gấp rút mời các chuyên gia Đức, Mỹ, Israel, và các nhà khoa học trong nước (đã có hơn 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường ĐH trong nước liên quan) vào cuộc, mới đây bộ này còn thành lập một đoàn kiểm tra Formosa việc “chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường” tại đây theo chỉ đạo của TTCP.

Tuy nhiên, dư luận XH vừa quan tâm chú ý vừa hoài nghi việc kiểm tra này.

Hoài nghi, vì về căn cứ thực tiễn, việc kiểm tra được báo trước, rất có thể thực tế của việc xả thải, xử lý ở Formosa đã không còn như trước.

Sự hoài nghi này không phải không có lý, bởi kết quả kiểm tra của ngành chức năng, cơ quan chức năng về một số nghi vấn của XH ở hiện tượng mang tính chất tiêu cực, cuối cùng hóa ra đều rất “đúng quy trình”

Cái khái niệm đúng quy trình giờ đây trở nên… tiêu cực với niềm tin của XH.

Người ta chưa quên, vụ Thanh tra Vinashin tới 11 lần, nhưng kết luận cuối cùng, đều không phát hiện được sai phạm nào. Đó là niềm tủi hổ cay đắng..

Trả “học phí” đến bao giờ?

Mọi việc “hậu cá chết” dẫu sao cũng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực của các cơ quan chức năng. Nhưng nỗi đau và vị đắng tình yêu với biển, với cá tôm chưa tan. Một câu hỏi cần đặt ra với các bộ, ngành xung quanh vấn đề này.

Ai cũng biết, nước Việt đi sau nhiều quốc gia tiên tiến, văn minh đã có kinh tế thị trường hàng trăm năm. Về mặt vị thế, đó là sự hạn chế, non kém. Nhưng về mặt phát triển, ở góc độ nào đó, mặt hậu đôi khi cũng có lợi hơn mặt tiền. Đó là bởi có nhiều bài học nhãn tiền của các quốc gia đi trước cho nước Việt tránh dẫm phải vết xe đổ.Nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái gắn với sự tăng trưởng.

Chỉ tiếc thay, “học phí” của rất nhiều dự án nước Việt vẫn tiếp tục phải trả, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường. Mà nguyên nhân căn cốt nhất- cũng là gót chân Asin của các bộ, ngành- là sự lỏng lẻo những quy định pháp lý, lỏng lẻo cung cách quản lý, và bất cập trong năng lực chuyên môn. Khiến cho có khi ngay trong một ngành chức năng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Quản lý- theo định nghĩa của một cựu quan chức- là quản một cách hợp lý. Nhưng xem chừng, cái cách quản của nhiều bộ, ngành chức năng nước Việt chưa đạt trình… hợp lý.

{keywords}

Tỷ như, sự tiền hậu bất nhất của chính ngành, về ống xả ngầm. Lúc thì vị quan chức này nói không cho phép, lúc thì vị quan chức kia nói đã được cấp phép, khiến dư luận XH cứ mắt chữ O mồm chữ A. Ai đúng, ai sai? Tỷ như, Bộ TN&MT đồng ý cho Formosa xả thải thì Tổng cục Môi trường lại khăng khăng, đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển”. Khiến dư luận XH lại mắt tròn, mắt dẹt. Tỷ như, ông Phạm Chí Cường (Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc- luyện kim), khi trả lời báo chí cho rằng, ở nhiều quốc gia, bao giờ người ta cũng có một tỷ lệ nhất định % vốn trong nước tham gia các tập đoàn vốn FDI. Và vì thế, cần phải thay đổi luật, để dù có là DN 100% vốn nước ngoài khi đã đóng trên đất VN, thì không có vùng nào là vùng cấm.

Chợt nhớ đến vị quan chức của Bộ NN&PTNT từng than thở, về cái sự không có thẩm quyền của bộ này khi muốn vào kiểm tra Formosa, khiến cả XH, đỏ con mắt bên trái, nóng con mắt bên phải.

Nhất là nước Việt hiện nay đã và đang phát triển 08 khu kinh tế ven biển, gần 300 khu công nghiệp, cùng với hàng chục trung tâm nhiệt điện có “yếu tố nước ngoài” trải dài ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (TBKTSG, ngày 29/4).

Nếu “yếu tố nước ngoài” nào cũng đầy đặc quyền kiểu như Formosa, và xả trộm kiểu như Vedan trước đây từng làm với sông Thị Vải (Đồng Nai), khiến cả XH lúc đó bất bình, phẫn nộ thì môi trường sông, hồ, biển của VN sẽ chỉ còn như ca khúc buồn… có những dòng sông đã qua đời.

Tỷ như, Ts Nguyễn Thành Sơn sau khi nghiên cứu báo cáo đầu tư của Formosa Hà Tĩnh đã trình từ 2008, nhận xét: Nội dung được lập hoàn toàn đối phó, không theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư. Trong đó, đặc biệt phần liên quan đến bảo vệ môi trường rất sơ sài. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, chủ đầu tư đã được cấp đất và triển khai dự án.Vì sao tỉnh HT lại bất chấp cả các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, say sưa biển một bên và dự án một bên đến vậy?

Suy ngẫm kỹ, tất cả những cách quản lý lẫn tư duy và năng lực chuyên môn đó tưởng lạ, mà …rất quen.

Nhưng nếu cứ cung cách quản lý đó, năng lực chuyên môn đó, nước Việt sẽ đi về đâu? Chả lẽ, văn minh nhân loại phải hát bài Đợi: Đợi một ngày hóa lạ thành quen/ Đợi một đời hóa quen thành lạ?

Chợt nhớ câu mới đây của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư khi tiếp xúc với cử tri Đà Nẵng: Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế thuần túy (VietNamNet, ngày 05/5)

Xin chào và Xin- cho

Không chỉ chuyện môi trường biển, mà môi trường kinh doanh trong đất liền cũng luôn có những cái rất lạ thành… quen.

Tại cuộc gặp mặt “Doanh nghiệp VN - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” diễn ra tại t/p HCM ngày 29/4 mới đây, theo Infonet (ngày 30/4), ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho biết bức tranh kinh tế năm 2015 không mấy sáng sủa. Tính đến 31/12/2015 cả nước có 513.000 DN còn hoạt động, 428.000 DN ngừng hoạt động, hoặc giải thể.

Mặc dù đã kinh doanh thì chuyện lỗ lãi, thậm chí phá sản, giải thể là chuyện bình thường, nhưng hiện tượng buôn có bạn giải thể có phường ở đây có phần bất thường. Đó là có tới ½ số DN giải thể chỉ diễn ra trong vòng 03 năm trở lại. Con số này có xu hướng gia tăng. Riêng quý I/2016, đã có gần 23.000 DN giải thể. Số các DN ăn nên làm ra chỉ có 42%, còn lại 58% hòa vốn hoặc lỗ.

Những con số tưởng như vô hồn đó, liệu có thể … nói gì về môi trường kinh doanh thuận lợi, hay rủi ro không? Cho dù nghiệp kinh doanh vốn không xuôi chèo mát mái với bất cứ quốc gia nào, DN nào?

Trước đó hai ngày, trả lời VietNamNet, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt giữa các DN, ông Trần Khắc Tâm - ĐBQH khóa 13, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng chỉ mong, người đứng đầu CP kiên quyết chỉ đạo dọn dẹp "rừng đinh" 7.000 điều kiện kinh doanh.

7000 điều kiện kinh doanh đó là các loại “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” (con số này do ông Vũ Tiến Lộc đưa ra) mà theo ông, rất kinh khủng, không thể tưởng tượng nổi. Chính vì thế mà ĐBQH Lê Như Tiến từng ví von con đường của kinh tế tư nhân - “trên rải thảm, dưới rải đinh”.

{keywords}

Chả trách các DN tư nhân cứ… khập khiễng trên hành trình hội nhập.

Dư luận XH hẳn chưa quên cách đây ít lâu vụ quán café Xin chào (huyện Bình Chánh, TP. HCM). Một vụ việc tưởng rất nhỏ, nhỏ “như cái móng tay” theo lời tướng CA Phan Anh Minh hóa ra trở thành một vụ việc rất to. To đến nỗi người đứng đầu CP, trước áp lực dư luận XH bức xúc về việc hành xử của các cơ quan chức năng, đã phải vào cuộc chỉ đạo “xem xét lại vụ café Xin chào”. Nếu không, chắc chắn ông Nguyễn Văn Tấn- chủ quán Xin chào cũng có cơ… xin chào luôn cái quán café bắt mắt của ông.

Chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh 05 ngày chủ quán café Xin chào bị khởi tố hình sự.

Một vụ việc nhỏ nhưng rất điển hình trong một thời cuộc đất nước cần phát triển, tuy nhiên, nền quản trị quốc gia chứa đựng không ít khiếm khuyết về cả tư duy lẫn cung cách quản lý:

Đó là một nhà hàng kinh doanh có lỗi (vi phạm hành chính) bị chuyển sang thành có tội (vi phạm hình sự).

Đó là, các cơ quan chức năng đã quá lạm quyền khi sử dụng luật pháp, biến nó thành công cụ trong tay mình, thực chất là coi thường pháp luật.

Đó là môi trường kinh doanh phản chiếu chứa đựng đầy sự rủi ro, bất trắc, bất bình đẳng.

Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra cuộc gặp của người đứng đầu CP với các DN, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng CP đã phải nói thẳng, nếu chủ quan Xin chào “thua”, có nghĩa mọi DN đều có thể đi tù.

Các DN nước ngoài muốn đầu tư vào VN sẽ nhìn vào vụ việc này ra sao? Các DN tư nhân trong nước sẽ lo lắng thân phận kinh doanh của mình thế nào, nếu nhìn vào vụ Xin chào, giữa chữ lỗi và chữ tội chỉ cách nhau có … 05 ngày chậm đăng ký kinh doanh?

Trong khi, khối DNNN với cơ chế Xin- cho, chiếm tới 60% nguồn lực, nhưng chỉ đóng góp 40% GDP?

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN”, theo GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới- với kết cấu hiện tại nền kinh tế VN không thể cạnh tranh, phát triển, bởi không một quốc gia nào trên thế giới đi lên bằng DN nhà nước và các DN FDI mà phải là DN tư nhân. Nếu DN tư nhân èo uột thì không thể phát triển được. Thể chế của ta phải là thể chế hỗ trợ, phát triển DN tư nhân!(Dân trí, ngày 28/3)

Chính vì thế, tại cuộc họp Thường trực CP ngày 25/4, người đứng đầu CP chỉ đạo, cần xóa bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Các bộ ngành không thể vì quyền hạn của mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của 02 đạo luật- Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Nhưng người dân, các DN cũng đang chờ đợi, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng sẽ “hóa giải” ra sao cái “rừng đinh” 7000 điều kiện kinh doanh?

Cá chết thì không thể sống lại. Nhưng môi trường biển chết và DN “chết” vẫn có cơ cải tử hoàn sinh, tùy thuộc vào sự đổi mới tư duy và hành động của nước Việt.

Có thể hay… không thể?

Kỳ Duyên