Tập trung triển khai thực hiện nguồn lực các Chương trình Mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện công tác giảm nghèo năm 2024, trong 6 tháng đầu năm dự kiến huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) có 153 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ước đạt 2%.
Theo báo cáo của UBND huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), 6 tháng đầu năm 2024, huyện tập trung triển khai thực hiện nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện công tác giảm nghèo. Địa phương này dự kiến có 153 hộ thoát nghèo trong nửa đầu năm nay, tương đương tỷ lệ giảm nghèo ước đạt 2%. Các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng; chăm lo cho hộ nghèo, người có công, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… được thực hiện đảm bảo.
Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Pác Nặm là 14,8%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 49,26%. Đây là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn. Huyện phấn đấu năm 2024 giảm thêm tối thiểu 4% tỷ lệ hộ nghèo.
Năm 2024, huyện Pác Nặm tiếp tục triển khai nhiều dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp cho người dân nghèo vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên toàn huyện.
Là địa phương có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Pác Nặm tận dụng điều này để tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Hiện nay, tổng đàn đại gia súc trên địa bàn huyện có trên 12.900 con, chủ yếu là bò, dê, ngựa...
Từ năm nay, huyện triển khai một số dự án liên kết sản xuất trong chăn nuôi, hướng tới xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chăn nuôi tập trung, bền vững, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nghèo.
Tiêu biểu trong số đó là dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dê địa phương, tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, kinh phí đối ứng hơn 548 triệu đồng. Tổng cộng có 21 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án dưới sự chủ trì liên kết của một hợp tác xã. Họ sẽ tạo thành 7 tổ hợp tác chăn nuôi tập trung dê tại xã Bộc Bố, Xuân La.
Dự án triển khai sẽ mang lại nguồn thu nhập cho 21 hộ tham gia dự án và những hộ khác liên kết trong quá trình chăn nuôi. Hơn nữa, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần giúp người dân thay đổi tập quán trong chăn nuôi. Ngoài ra, khoảng 3/4 hộ nghèo tham gia dự án sẽ có tiền đề để từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.
6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện Pác Nặm đã thực hiện chuyển đổi diện tích chuyển đất canh tác lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao được 136,44 hecta. Huyện cũng thực hiện 352,8 hecta cây trồng có lợi thế, cây trồng có giá trị kinh tế.
Chăm lo nhà ở cho người nghèo
Huyện Pác Nặm hiện có hơn 7.500 nhà ở dân cư, trong đó số nhà tạm, nhà dột nát là 1.319 nhà tại 10/10 xã trong huyện. Nghiên Loan, Cao Tân và Cổ Linh là 3 xã có số lượng nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất huyện, riêng xã Nghiên Loan có 479 nhà. Phần lớn trong số đó là nhà của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ mới tách ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Năm 2024, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Bắc Kạn, huyện Pác Nặm được hỗ trợ làm mới cho 8 hộ tại 7/10 xã của huyện. Với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Pác Nặm đã tiến hành rà soát thống nhất triển khai thực hiện tại 7/10 xã, gồm: Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Nghiên Loan, Bộc Bố, Bằng Thành, Cao Tân (mỗi xã 1 nhà), riêng xã Cổ Linh 2 nhà.
Đến nay, cả 8/8 nhà đều đã được phối hợp thẩm định xong. Dự kiến hết năm nay, 8 căn nhà kiên cố, khang trang sẽ hoàn thành và bàn giao cho hộ gia đình nghèo tại các xã này.
Việc hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết nhằm giúp cho các hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của địa phương.
Thời gian tới, tiếp tục chăm lo bù đắp chiều thiếu hụt cho người nghèo, huyện Pác Nặm tiếp tục quan tâm, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ, các tổ chức; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong và ngoài huyện.
6 tháng đầu năm 2024, huyện Pác Nặm đã giải quyết việc làm cho 1.581 lao động, tạo việc làm mới cho 624 lao động, đều vượt kế hoạch giao. Việc tập trung nguồn lực để giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo trên địa bàn.
Huyện đã và đang tổ chức đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho lao động nông thôn với tổng số 24 lớp nghề cho 624 học viên từ nguồn kinh phí của các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Học viên được học nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm; Trồng và khai thác rừng; Chế biến món ăn hay kỹ thuật xây dựng.