Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội cho biết đến cuối năm 2022, 30 doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2. Tổng vốn các đơn vị này đã rót ra nước ngoài khoảng 6,62 tỷ USD.

Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, báo cáo cho biết, lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi với tổng số tiền lũy kế hơn 4 tỷ USD, trong đó có 1,9 tỷ USD lợi nhuận được chuyển về nước.

anh 1a.jpg
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thăm và làm việc tại Khu mỏ Rusvietpetro

Đáng chú ý, Petrovietnam là doanh nghiệp có số tiền thu hồi lớn nhất với 2,9 tỷ USD, chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước. Số tiền này đã bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 1,1 tỷ USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông là 549,12 triệu USD, thu hồi khác là 1.171,63 triệu USD.

anh 1b.jpg

Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo của Chính phủ nhận định nhiều dự án có sự chuyển biến tích cực về doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả. Dự án thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Nhenhexky (Nga) của Petrovietnam là một trong số ít các dự án được đánh giá mang lại hiệu quả cao, doanh thu tốt, vốn thu hồi lớn hơn số tiền đầu tư. 

Liên doanh Rusvietpetro giữa Petrovietnam và Zarubezhneft đang thực hiện các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác tại 13 mỏ dầu thuộc 4 lô tại khu tự trị Nhenhexky, có trữ lượng địa chất và trữ lượng thu hồi dầu lần lượt khoảng 244 triệu tấn và 96 triệu tấn. Kể từ khi thành lập vào năm 2008, hoạt động của Rusvietpetro đã đạt nhiều kết quả tích cực, được đánh giá là một trong những liên doanh có hiệu quả nhất của Petrovietnam ở nước ngoài hiện nay.

Ngọc Minh