Người cao tuổi: Già nhưng… chưa già
Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, để định nghĩa chính xác về người cao tuổi (NCT) là việc khó nếu xét theo từng tiêu chí đặc thù. “Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người có tuổi, hay NCT. Tuy nhiên, hai khái niệm này dù có những tiêu chí chung về mặt khoa học song về tâm lý, NCT mang hàm ý tích cực và tôn trọng. Còn theo y khoa, NCT được hiểu là bước vào giai đoạn già hóa, suy giảm các chức năng của cơ thể.
Còn nếu xét theo pháp luật (Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010) quy định: NCT là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”; trong khi theo WHO thì họ có độ trễ 10 năm khi tính từ 70 tuổi trở lên. Dĩ nhiên, có nước lại tính từ 65 tuổi trở lên như Đức, Hoa Kỳ… Sự phân chia và quy định này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi thọ, thể trạng, phúc lợi xã hội, hệ thống y tế và thậm chí là cả quỹ lương hưu của mỗi nước nên có sự phân chia khác nhau.
Trong khi đó, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước hiện nay dù tuổi hưu và tuổi được công nhận là NCT có sự không thống nhất nhưng có một điểm chung: Sự già hóa dân số ở các nước là có thật, trong đó có cả Việt Nam và do hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt lên kéo theo tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao khiến NCT giờ đây có các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn. Đây cũng chính là lí do, NCT hiện nay già nhưng lại… chưa già.
Thực tế, theo quan niệm dân gian thì người từ 60 tuổi trở lên được coi là người già hay NCT. Có sự phân biệt này bởi phong tục tập quán truyền thống (độ tuổi vào hàng ngũ bô lão/các già khi tham gia sinh hoạt ở đình chung hay chùa chiền; độ tuổi phân chia tại các dòng họ...). Trong khi đó, người từ 60 tuổi cũng được coi là đã hoàn thành một chu kỳ về mặt sinh học. Nhưng về sau này, khi điều kiện sống tốt lên, chế độ dinh dưỡng, y tế… được cải thiện thì khái niệm về người già hay NCT đã có sự thay đổi.
Thế nên, giới văn nghệ sĩ mới có tổng kết vui rằng: "70 là tuổi dậy thì, 80 là tuối mới đi vào đời, 90 là tuổi ăn chơi". Chính đời sống tinh thần quan trọng hơn vật chất mà giờ đây nhiều NCT dù bước vào giai đoạn hưu trí nhưng họ lại chọn cách sống... không hề già.
Những vấn đề tâm sinh lý phát sinh của người cao tuổi
Thực tế khi đời sống dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt lên, nhiều NCT ngày càng… trẻ ra và những vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi cũng phát sinh. Theo TS Tâm lý học Trịnh Thanh Hương, Bệnh viện Bạch Mai: Nếu chúng ta coi lứa tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi “ẩm ương”, khi tâm sinh lý của trẻ có sự thay đổi rõ nét nhất thì NCT cũng là độ tuổi có những biến đổi tâm sinh lý vô cùng mãnh liệt, khi mà nhiều người già bước vào độ tuổi mà thể chất và tâm sinh lý của họ cũng có những diễn biến khá phức tạp.
Ngày nay, chỉ cần theo dõi tin tức báo chí cũng dễ thấy, nhiều chuyện của NCT diễn ra khiến dư luận xã hội có thể ngỡ ngàng hoặc “khó hiểu” nếu không đi sâu nghiên cứu rõ tâm lý của người trong cuộc. Ví dụ, cụ bà 90 tuổi vẫn nằng nặc làm đơn xin li dị cụ ông 92 tuổi vì cả đời… không rửa bát hoặc chẳng bao giờ có được một lời hỏi thăm vợ. Hoặc bố 78 tuổi, vợ vừa mất đã đòi cưới giúp việc. Hoặc bố mẹ ly thân sau khi cưới vợ xong cho cậu con út vì lí do… không ở nổi được với nhau nữa.
“Nhiều người thắc mắc, sao các cụ đã bước vào cái độ tuổi “thập thò cửa lỗ” hoặc phải nhẫn nhịn cho “yên cửa yên nhà” thì lại sẵn sàng tung hê và phá bỏ tất cả thể diện chỉ để được một lần sống cho riêng mình? Xin thưa, đó là những dồn nén về tâm sinh lý của NCT mà ở mỗi người họ đã có những sự chịu đựng, dồn nén, hi sinh hay thậm chí là nhẫn nhục chịu đựng cả đời rồi và giờ họ muốn thoát… gánh nợ cuộc đời”, TS Hương phân tích chung về các trường hợp con cháu của NCT đến xin tham vấn tâm lý.