CEO Telegram Pavel Durov, 39 tuổi, đã bị bắt giữ hôm 24/8 tại sân bay Le Bourget gần Paris theo lệnh của Văn phòng Công tố viên Paris ngay khi hạ cánh trên máy bay riêng từ Azerbaijan. Durov không bị buộc tội và có thể bị giam đến ngày 29/8.

Trong một tuyên bố, công tố viên Paris Laure Beccuau nói vụ bắt giữ CEO Telegram là một phần của cuộc điều tra được mở vào ngày 8/7 nhằm vào “một người giấu tên" về một loạt các tội danh tiềm tàng, bao gồm đồng lõa trong việc phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em và bán ma túy, rửa tiền và từ chối hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.

Theo bà Beccuau, các chuyên gia chống tội phạm mạng và chống gian lận đang xử lý cuộc điều tra. Durov đã bị các nhà điều tra thẩm vấn.

bb0heqe8.png
CEO Telegram Pavel Durov sinh tại Nga nhưng mang quốc tịch Pháp và UAE. Ảnh: New York Times

New York Times giải thích, ở Pháp, các vụ án hình sự phức tạp được xử lý bởi các thẩm phán đặc biệt, những người có quyền điều tra sâu rộng và có thể đưa các bị cáo vào cuộc điều tra chính thức, buộc tội họ khi họ tin rằng có bằng chứng đảm bảo.

Tuy nhiên, các thẩm phán sau đó có thể hủy bỏ cáo buộc nếu bằng chứng không đủ để tiến hành xét xử và các vụ án thường mất nhiều năm.

Vụ bắt giữ ông Durov đã trở thành một đề tài nóng vào cuối tuần qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27/8 khẳng định: "Quyết định bắt giữ Durov hoàn toàn không có động cơ chính trị, mà là một phần của cuộc điều tra tư pháp. Ngay cả trên mạng xã hội, các quyền tự do cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Những luật này được ban hành để bảo vệ người dân và những quyền lợi cơ bản của họ".

"Pháp cam kết sâu sắc đối với tự do ngôn luận và liên lạc, với đổi mới và với tinh thần kinh doanh", ông Macron viết trên X. "Sẽ vẫn là như vậy."

Telegram có hơn 900 triệu người dùng và cam kết bảo đảm tự do ngôn luận. Việc quản lý lỏng lẻo giúp ứng dụng trở thành “thiên đường” cho nội dung độc hại. Không chỉ là nền tảng nhắn tin bình thường, nó còn lưu trữ các kênh và nhóm có số lượng lớn người tham gia và bị kiểm duyệt ở mức tối thiểu.

Theo New York Times, từ lâu Telegram đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan thực thi pháp luật vì các tổ chức khủng bố, kẻ buôn bán ma túy, vũ khí và các nhóm cực đoan cực hữu đã sử dụng nó để liên lạc, tuyển quân và tổ chức hoạt động. Chính phủ các nước, đặc biệt tại EU, tăng cường gây sức ép để các công ty công nghệ giải quyết thông tin sai lệch, chủ nghĩa cực đoan trực tuyến, an toàn cho trẻ em và lan truyền tài liệu bất hợp pháp.

Nga chặn truy cập Telegram năm 2018 và đã phạt công ty vài lần vì từ chối xóa nội dung bất hợp pháp. Năm 2020, truy cập Telegram được khôi phục tại thị trường này. Theo CNBC, ứng dụng được sử dụng rộng rãi tại Nga và Ukraine.

Durov, người có giá trị tài sản ròng được Bloomberg ước tính là hơn 9 tỷ USD, đã rời Nga vào năm 2014 sau khi mất quyền kiểm soát Vkontakte, đối thủ của Facebook ở Nga. Năm 2013, ông thành lập Telegram, hiện đặt trụ sở tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Durov mang quốc tịch Pháp và UAE dù sinh tại Nga.

Trong một tuyên bố trên Telegram vào ngày 26/8, công ty cho biết: "Thật vô lý khi nói rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó". Durov "không có gì phải giấu giếm", Telegram nói thêm.

Ngày 27/8, UAE cho biết đã đệ trình yêu cầu lên các quan chức Pháp đề nghị hỗ trợ ngoại giao khẩn cấp cho Durov và theo dõi chặt chẽ vụ việc. Trước đó một ngày, Đại sứ quán Nga tại Pháp yêu cầu chính quyền Pháp làm rõ vụ bắt giữ và yêu cầu được gặp người sáng lập Telegram.

(Theo NYT, CNBC)