Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay, nhiều địa phương than khó tiêu chí hỏa táng đang “làm khó” địa phương. Tuy nhiên, theo Nghị định 23 có nội dung về hỏa táng người mất, thì đây là chủ trương đúng đắn cần thực hiện hiệu quả.
Nghị định số 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng chỉ rõ, cần khuyến khích việc hỏa táng nhằm tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Nếu cần phải chôn cất thì cũng sẽ hỏa táng rồi chôn, trong đó điều 4 của nghị định cũng giới hạn diện tích sử dụng cho chôn lấp.
Cụ thể điều 4 quy định, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2 và diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 3 m2. Đối với những địa phương có diện tích đất rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì mỗi mộ phần cũng không được quá 10m2.
Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị định 23 vào cuộc sống hiện nay, một số địa phương rất hào hứng và muốn triển khai nhanh, muốn mỗi huyện thị sẽ có 1 cơ sở hỏa táng và 1 nghĩa trang tập trung (ví dụ như Quảng Ngãi hay Nam Định, Thái Bình…); nhưng cũng có những địa phương… “than khó”. Lí do than khó thì nhiều như thiếu nguồn lực, khó thay đổi thói quen chôn cất của người dân.
Cụ thể, để một xã được công nhận về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì ngoài các tiêu chí cứng, địa phương đó phải có tỷ lệ 5% trở lên sử dụng hình thức hỏa táng. Đây là một trong những nội dung tiêu chí cần đẩy mạnh nhưng nhiều địa phương lại… kêu khó.
Ví dụ tại Quảng Bình, cuối năm 2022, xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) là địa phương đầu tiên, duy nhất (trong số 19 xã nằm trong danh sách phấn đấu) nộp hồ sơ đề nghị công nhận xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, theo thẩm định của các sở, ngành cấp tỉnh kết luận, xã Quảng Hải chỉ đạt 67/75 nội dung tiêu chí trong 19 tiêu chí NTM nâng cao, đạt 88%. Còn 8 nội dung tiêu chí chưa đạt chuẩn, đặc biệt, trong đó có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.
Theo nhà báo Hà Vũ, thường trú tại các tỉnh miền Trung: Lí do than khó của các địa phương hiện nay đúng nhưng chưa đủ. Hãy hình dung thời điểm Covid-19 năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 3,3 triệu dân mà không có nổi 1 nhà hỏa táng. Khi 1 bệnh nhân tai nạn giao thông mất, cần hỏa táng để tránh lây lan dịch bệnh thì lại phải… đi nhờ tỉnh bạn.
“Do vậy, dải dất miền Trung nhỏ hẹp, diện tích canh tác nông nghiệp vốn thiếu thốn. Đất ở và đất sản xuất cũng không nhiều, do đó chủ trương hỏa táng tiết kiệm diện tích chôn cất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là xu hướng. Không nên vì những lí do thiếu nguồn lực hay thói quen/ tập tục của người dân mà thoái thác, kêu khó được”, nhà báo Hà Vũ nói.
Cùng quan điểm này, Hòa Thượng Thích Không Tánh cho rằng, quyền của người chết để có một ngôi mộ là thiêng liêng và vốn là một truyền thống dân tộc lâu đời. Nhưng cũng phải tùy điều kiện thực tiễn và thời thế để có những điều chỉnh phù hợp và nếu thay đổi được nhận thức của người dân thì họ sẽ ủng hộ.
“Phản cảm không phải chuyện hỏa thiêu, hỏa táng là chuyện tốt, trừ những dân tộc tôn giáo có phong tục tập quán riêng. Nếu quy hoạch được tốt các nghĩa trang tập trung để người dân có nơi đựng/gửi tro cốt thì việc vận động nhân dân hỏa táng sẽ trở lên dễ dàng hơn”, Hòa Thượng Thích Không Tánh hiến kế.
Được biết, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội ban hành đã 10 năm, trong đó, Khoản 3 Điều 65 cũng quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; quy định chính sách khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang.
Trong đó với việc thực hiện hỏa táng, mai táng, ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng với mục tiêu từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường.
Qua 10 năm, đã có gần 40/63 tỉnh thành đã xây dựng được hơn 150 lò hỏa táng (không bao gồm các lò hỏa táng trong các chùa Khmer tại các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Riêng 2 đầu tầu kinh tế Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng cao nhất (trên 80%). Được biết trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng để đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tiễn.