W-IMG_5110   kinh tế biển Bến Tre used.jpg
Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm đời sống của người dân miền biển nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.

Phát triển du lịch biển 

Theo định hướng phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh Bến Tre, tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch, đưa tỉnh Bến Tre trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển.

Dự kiến đến năm 2025, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 3 huyện biển tăng bình quân 25%/năm; chiếm khoảng 20% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Đến năm 2030, doanh thu từ du lịch 3 huyện biển chiếm từ 30% doanh thu du lịch của cả tỉnh. 

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch ở 3 huyện ven biển. 

Theo đó, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển tạo ra sự đột phá nhằm kết nối các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp và khu du lịch. Đồng thời chú trọng đầu tư và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, xây dựng sản phẩm đặc thù, thương hiệu du lịch tạo sức hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng của tỉnh. 

Thạnh Phú là một trong 3 huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, với vị trí là cửa ngõ hướng ra biển Đông của khu vực Cù Lao Minh, nằm giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Với chiều dài bờ biển trên 25km, huyện Thạnh Phú còn là địa bàn của bãi triều ven biển và khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn, có giá trị như vùng đệm sinh thái đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó có nhiều di tích văn hoá lịch sử, phong cảnh đẹp để khám phá, tìm hiểu như con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ “Đường Hồ Chí Minh trên biển”; lăng Ông Nam Hải; điểm du lịch biển Cồn Bửng, biển Thạnh Phú; các làng nghề ven biển…. trở thành trung tâm du lịch sinh thái cấp vùng và phát triển du lịch kết nối trong vùng. Thạnh Phú phấn đấu đến năm 2025, du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Ngoài Thạnh Phú, Bến Tre cũng đang phát triển các sản phẩm du lịch ở 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm đời sống của người dân miền biển tại các xã ven biển, như cào nghêu, chèo xuồng trong đầm, bắt cua, tham quan và cùng nông dân thu hoạch củ cải, dưa hấu, thưởng thức ẩm thực biển. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung phát triển các khu du lịch cộng đồng để mở thêm không gian du lịch mới. Song song đó là chú trong phát triển du lịch văn hoá tâm linh. 

Việc đẩy mạnh đầu tư về du lịch ở 3 huyện biển sẽ giúp hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng được nâng chất, sản phẩm du lịch dần được hoàn thiện. Nhiều cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống mở ra, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, gia tăng giá trị cho lĩnh vực dịch vụ; thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh Bến Tre.

W-Xóm chài An Thới Phú Quốc Kiên Giang 2 used.JPG.jpg
Việc thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản đã và đang được tỉnh Bến Tre triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời gắn với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên vùng biển.

Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển thân thiện môi trường

Thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với lợi thế bờ biển dài 65 km, Bến Tre chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông nhằm mục tiêu cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và cả khu vực, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh 3 huyện biển là mục tiêu bao trùm của Nghị quyết số 04-NQ/TU. Đây là cơ hội cho 3 huyện biển phát huy thế mạnh, đánh thức tiềm năng kinh tế biển, thúc đẩy liên kết phát triển vùng, tạo điều kiện cho 3 huyện biển vươn lên phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.

Đối với huyện Bình Đại, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học; thực hiện Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản tỉnh đến năm 2030 theo hướng khai thác thủy sản hiện đại, đảm bảo an toàn, ổn định, bền vững, phù hợp với nguồn lợi tự nhiên gắn với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên vùng biển. Đến nay, hoạt động khai thác thủy sản của huyện được tập trung phát triển theo hướng xa bờ và duy trì hoạt động ổn định, giảm tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ và đội tàu lưới kéo, xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình liên kết tổ đội đánh bắt gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Trên địa bàn huyện không có trường hợp tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Hiện nay, toàn huyện có 1.166 tàu đánh bắt (đã giảm 29 tàu), trong đó có 580 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện đội tàu khai thác xa bờ của huyện đã được tiếp cận và ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong đánh bắt như sử dụng máy dò ngang, máy thu lưới và được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo diện đủ điều kiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m trở lên. Đồng thời, thành lập được 38 tổ, đội liên kết khai thác thủy sản với 175 chủ tàu, có 500 tàu tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. 

Kết quả bước đầu đạt được của đề án chuyển đổi nghề, đã thúc đẩy nghề khai thác thủy sản trên địa bàn huyện phát triển mạnh, góp phần gia tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm và thủy sản địa phương trung bình mỗi năm khoảng 5%. Nhất là hướng tới phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.