Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 17 thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố. Ngoài hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống tại Hà Nội đều siết chặt quy định phòng dịch, như duy trì chốt ngoài cổng kiểm soát, đo thân nhiệt với khách vào chợ; tạm ngưng hoạt động với các mặt hàng, ngành hàng bán hàng không thiết yếu, nhằm giảm bớt số lượng người dân vào chợ.

Chính quyền một số phường còn yêu cầu các tiểu thương ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ các thông tin (họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày...), phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết. Đây là một trong những biện pháp để bảo vệ chợ truyền thống, chợ dân sinh an toàn trước Covid-19.

Phường Nhật Tân, Bưởi (quận Tây Hồ) là phường đầu tiên tại Hà Nội triển khai phát phiếu đi chợ luân phiên cho người dân theo ngày chẵn hoặc lẻ và một khung giờ ngày Chủ nhật. Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết, mục đích là giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người, phòng dịch. Khi triển khai thực tế, nếu có vấn đề chưa hợp lý phường sẽ điều chỉnh.

Theo Ban Tuyên giáo quận Tây Hồ, trước khi triển khai phát thẻ vào chợ, Ban Tuyên giáo quận Tây Hồ đã triển khai khảo sát và lấy ý kiến của người dân. Kết quả khảo sát khoảng 850 người dân thì 96,8% đồng tình. 

Khi Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ triển khai đồng loạt việc phát vào chợ trên địa bàn các phường thuộc quận, người dân đồng tình hưởng ứng và rất ủng hộ cách làm của chính quyền theo hướng dẫn của Sở Công Thương Hà Nội, chia thành 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 với 4 thẻ, in liền ghi rõ các ngày vào chợ (27, 30/7 và 2, 5/8); nhóm 2 với 4 thẻ ngày (28, 31/7 và 3, 6/8); nhóm 3 với 4 thẻ ngày (29/7 và 1, 4, 7/8), đảm bảo linh hoạt thời gian và tránh tụ tập đông người.

Ngoài việc phát phiếu đi chợ, hiện phường cũng đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án chợ Nhật Tân rà soát các tiểu thương và lập danh sách tiêm phòng vắc xin Covid-19, khi có vaccine thì đây cũng sẽ là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng.

Cùng với việc phát thẻ đi chợ, nhiều quầy bán hàng còn làm hàng rào ngăn cách người mua hàng, kẻ vạch giãn cách… để tránh tập trung đông người và tiếp xúc trực tiếp. Các chợ đều thực hiện nghiêm chỉ bán hàng hóa thiết yếu, những quầy bán hàng không thiết yếu đã được yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh.

{keywords}
Phát phiếu đi chợ cho người dân

Triển khai toàn Hà Nội

Tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy, bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách và yêu cầu ngành Công Thương nghiên cứu ban hành 1 mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố.

“Khoảng thời gian thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND chính là “thời điểm vàng” để thực hiện các biện pháp khống chế dịch Covid-19. Từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải chung một ý chí, quyết tâm; bằng mọi giải pháp, phải duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch”- ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Sau khi triển hai thí điểm việc cấp thẻ đi chợ ngày chẵn lẻ cho các hộ dân trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm giãn cách, hạn chế người dân đi lại nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống bình thường trong việc tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch. Việc cấp thẻ này đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân cùng với chính quyền Hà Nội chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đây là cách làm mới cần được khuyến khích ủng hộ trong việc thực hiện đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại chợ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Sở Công Thương Hà Nội khuyến khích các địa phương triển khai việc này để giảm tải lượng người đến khu vực tập trung đông người. Tuy nhiên, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết đề khi triển khai thực hiện không bị vướng mắc, phiếu cho người dân quy định theo ngày chẵn, lẻ, giãn giờ đi chợ để thực hiện tốt.

Đến nay, khi các quận, huyện triển khai việc cấp thẻ đi chợ theo các ngày chẵn, lẻ, theo khung giờ nhằm giãn cách, hạn chế lượng người tập trung đông, giảm thiểu tối đa lượng người đi chợ nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa để người dân yên tâm.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 459 chợ. Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản gửi Ủy ban  Nhân dân các quận, huyện, thị xã; ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố về việc thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố về phòng, chống dịch. 

Sở yêu cầu các chợ phải xây dựng và triển khai theo phương án, kịch bản phòng, chống COVID-19, có biện pháp kiểm soát người ra-vào chợ, tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (vào một chiều, ra một chiều). 

Trường hợp phát hiện ca nhiễm tại chợ, chính quyền địa phương đóng cửa tạm thời, xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Thành phố Hà Nội sẽ bố trí các điểm bán lưu động, các kênh phân phối khác hỗ trợ, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy