Hợp tác xã Dịch vụ xanh Krông Pắc (tên đăng ký là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh sầu riêng, bơ Krông Pắc) được thành lập năm 2018 ở thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, với 7 thành viên ban đầu, tổng diện tích cây trồng hơn 50 ha.

Hoạt động chính của Hợp tác xã gồm: Trồng, sản xuất sầu riêng, bơ; Mua, bán và chế biến các sản phẩm nông nghiệp cây ăn trái; Đầu tư sản xuất vườn ươm giống cây ăn trái; Làm dịch vụ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Dịch vụ xanh Krông Pắc là sầu riêng Dona, loại trái cây đặc sản trên địa bàn huyện.

anh bai 30b.jpg
Các thành viên của Hợp tác xã được hướng dẫn sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: B.M

Thời gian qua, Hợp tác xã đã tập trung nguồn lực, tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới làm giàu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Theo Giám đốc Trần Văn Thắng, Hợp tác xã đã lựa chọn hướng phát triển theo mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải.

Các thành viên của Hợp tác xã được hướng dẫn sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, phát triển theo tiêu chí xanh, sạch, bền vững với quy trình kỹ thuật ngay từ khâu chăm sóc, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, làm tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực 

phẩm cho người tiêu dùng.

Ngoài quy trình khép kín, vỏ sầu riêng được Hợp tác xã thu gom và xay nhỏ, ủ thành phân bón hữu cơ để tái sử dụng cho cây trồng. Tất cả sản phẩm, phụ phẩm từ sản xuất cũng được xay nhỏ, ủ men làm phân bón, qua đó nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản lợi thế tại địa phương, giúp tạo việc làm ổn định cho bà con thành viên.

Đặc biệt, Hợp tác xã còn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian phun tưới, tiết kiệm nhân công, đem lại hiệu quả vượt trội.

Cũng theo ông Thắng, Hợp tác xã Dịch vụ xanh Krông Pắc luôn đồng hành với các thành viên, từ khâu chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, tới thu mua trái, sơ chế, chế biến, đóng gói và bao tiêu sản phẩm.

Sau khi thu hoạch, cây sầu riêng dễ bị tổn thương và mất đi nhiều chất dinh dưỡng. Để khắc phục hạn chế này, sầu riêng sau khi thu hoạch sẽ được phân loại, chọn những sản phẩm có mẫu mã đẹp, khối lượng, kích thước, chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu quả tươi với giá cao. Những quả sâu, không đạt chất lượng đều bị loại bỏ để đảm bảo đầu vào cho sản phẩm chế biến. 

HTX còn lắp đặt thiết bị cấp đông và trữ đông hiện đại giúp sầu riêng trữ được lâu hơn, dễ dàng vận chuyển mà vẫn giữ được màu sắc, hương thơm và mùi vị đặc trưng của sầu riêng Dona

“Sầu riêng được lột vỏ, cấp đông ở nhiệt độ âm 400C trong vòng 6 - 8 giờ, được bảo quản lạnh trữ đông ở nhiệt độ âm 180C. Với công nghệ cấp đông nhanh, sầu siêng có thể bảo quản được trong khoảng thời gian từ 6 – 24 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ này đã khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” vốn đã phổ biến đối với nông sản”, Giám đốc Trần Văn Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ, tuần hoàn, lãnh đạo Hợp tác xã cho rằng, “sự thành công có được là nhờ ban lãnh đạo Hợp tác xã gồm những người trẻ, năng động, với cách làm bài bản, nắm vững quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và phát triển thị trường”.

Phát huy tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được, Hợp tác xã Dịch vụ xanh Krông Pắc đang tiếp tục tập trung hướng dẫn bà con tại địa phương sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm sạch, đồng thời đầu tư các mô hình chế biến sâu để từng bước phát triển đa dạng các sản phẩm từ sầu riêng.

Bình Minh