Theo Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, từ thời phong kiến, Việt Nam đã có 2 đô thị biển tham gia thương mại quốc tế, gồm Vân Đồn và Hội An. Thời Pháp thuộc, Pháp đã cho phát triển nhiều đô thị biển phục vụ hàng hải và du lịch, chẳng hạn Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu. Tuy nhiên, người dân vùng ven biển sống chủ yếu bằng nghề chài lưới ven bờ, thu nhập không cao và luôn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bão lũ ven biển.
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 40 đô thị biển, trong đó, đô thị biển lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (đây cũng là đô thị lớn nhất cả nước), tiếp đến là Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… Nhiều đô thị biển hiện tại chưa phát triển nhưng có tiềm năng phát triển trong thời gian tới như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…
Đô thị biển Việt Nam bắt đầu phát triển theo hướng làm rõ động lực kinh tế của từng đô thị như du lịch, khai thác dầu khí, hàng hải, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản…
Phát triển đô thị biển phục vụ du lịch đang được các địa phương quan tâm nhưng ở nhiều địa phương, cách thức phát triển còn có tầm nhìn ngắn hạn. Nhiều địa phương đã cho phép xây dựng các nhà cao tầng rất cao chạy dọc bờ biển như tường thành ngăn trở giữa đất liền và biển. Dân địa phương không còn đường đi xuống biển kiếm sống, phải phản ánh bức xúc lên lãnh đạo cấp tỉnh.
Bên cạnh những tiềm năng kinh tế lớn, đô thị biển Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý rủi ro thiên tai từ biển. Các địa phương dù đã ý thức được hậu quả khó lường của rủi ro thiên tai trên vùng ven biển nhưng chưa có hành động cụ thể về quản lý rủi ro.
Một báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) về rủi ro thiên tai và giải pháp cho khu vực ven biển Việt Nam hồi tháng 10/2020 đã cảnh báo: “11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư đang nằm trong vùng hay bị sạt lở; mỗi năm kinh tế bị thiệt hại 852 triệu USD (9,5%) GDP”.
Các chuyên gia WB đề xuất 5 khuyến nghị cho Việt Nam:
Cần thiết lập và tăng cường hệ thống dữ liệu như công cụ trợ giúp ra quyết định tích cực. Dữ liệu là một yếu tố không thể thiếu để biết khả năng chống chịu của các vị trí, từ đó mới có thể tìm ra giải pháp hợp lý cho quy hoạch, giám sát và đánh giá thực thi quy hoạch, dự báo các tiêu cực có thể xảy ra.
Chú trọng tới quy hoạch vùng ven biển dựa trên phân tích lợi thế kinh tế và các rủi ro thiên tai. Bài toán quy hoạch rất cần những số liệu khảo sát vùng ven biển để làm rõ khả năng khai thác kinh tế biển và khả năng chống chịu các rủi ro thiên tai có thể gặp phải tại những khu dân cư, khu kinh tế ven biển.
Tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng và dịch vụ công vùng ven biển. Hệ thống này phải đảm bảo tính bền vững trong hoạt động, có tính đến sức chịu đựng trước các rủi ro thiên tai vùng biển có thể xảy ra.
Tận dụng các giải pháp thuận thiên, có nghĩa là không tiếp cận theo kiểu chống lại thiên nhiên và tiếp cận theo kiểu phát hiện quy luật thiên nhiên để nương theo quy luật đó mà tồn tại và phát triển.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Phải có phương án để phát hiện nhằm phòng ngừa, ứng phó, cùng với đó là giải pháp phục hồi có hiệu quả khi thiên tai xảy ra.
“Những khuyến nghị đó sẽ giúp chúng ta nâng cấp tư duy và quy hoạch cụ thể phát triển đô thị biển Việt Nam. Tiềm năng kinh tế lớn trong khung cảnh quan hệ quốc tế êm dịu hơn là một lợi thế, nhưng thiên tai trên vùng biển vẫn là rủi ro rất lớn. Chúng ta đặt hy vọng lớn vào quá trình phát triển thông minh sẽ giúp ngăn ngừa những tiêu cực từ biển tốt hơn”, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ nhận định.