Ấn tượng không chỉ bởi chương trình được biểu diễn trong một không gian nghệ thuật hoành tráng, hiện đại, xứng tầm biểu tượng mới của văn hóa thủ đô Hà Nội. Vì điều đó đã là hiển nhiên, từ khi nhà hát này hoạt động với hàng loạt các chương trình nghệ thuật đỉnh cao.
Cũng không phải bởi danh sách các nghệ sĩ đang được công chúng mến mộ của dòng nhạc giao hưởng thính phòng biểu diễn, mặc dù, những cái tên Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Lan Anh… cùng vị nhạc trưởng người Nhật Bản Hona Tetsuji, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Mà cái chính là ở cách thiết kế chương trình.
Một đại tiệc âm nhạc với nhiều trải nghiệm mới
Dù là một sự kiện nghệ thuật chính luận của ngành Công an, nhưng cách gọi tên “New Year Concert 2024” khiến tôi và nhiều khán giả cảm thấy chương trình “mềm” hơn, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát và đầy hứng khởi hơn trong không khí vui tươi đầu năm mới.
Những người tổ chức chương trình đã khéo léo đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng thông qua những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng do các nhạc sĩ tên tuổi sáng tác, được đội ngũ nghệ sĩ dày công tập luyện, dàn dựng công phu và một đêm diễn đặc sắc nhất có thể.
Sau tiết mục mở màn bằng bài hát “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao) do ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn, những thanh âm rộn rã của mùa xuân; những nhịp điệu tươi vui, khỏe khoắn căng tràn sức sống của đất nước đã được chuyển tải đến khán giả qua nhiều ca khúc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn như "Đảng đã cho ta một mùa xuân" (Phạm Tuyên), "Mùa xuân nho nhỏ" (Trần Hoàn), "Mùa chim én bay" (Hoàng Hiệp), "Cung đàn mùa xuân" ̣(Cao Việt Bách).…
Chương trình cũng dành một phần xứng đáng để trình diễn một số bản giao hưởng nổi tiếng của các nhà soạn nhạc kinh điển thế giới, gồm “Im Krapfenwald’I Polka” op.366, “Tritsch-Tratsch-Polka, Polka schnell” op.214, “The Blue Danube Waltz” (Johann Strauss II); Heia in den Bergen (Emmerich Kalman), “L'Arlésienne Suite” số 2 (Georges Bizet), “Pomp and Circumstance” (Edward Elgar), do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thể hiện dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài ba người Nhật Bản Honna Tetsuji.
Cố vấn nghệ thuật của chương trình - nhạc sĩ Trần Hải Đăng, Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho hay: "Đây là concert dành cho mùa xuân nên mang âm hưởng chủ đạo là vui tươi, trong sáng, lạc quan và không quá kén khán giả. Nếu toàn bộ phần đầu của chương trình là các ca khúc nổi tiếng của Việt Nam về mùa xuân, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, thì phần 2 là các tác phẩm âm nhạc quốc tế. Tuy nhiên, đây đều là những tác phẩm thường được chọn biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc đầu năm mới của nhiều quốc gia, dễ nghe và phổ biến hơn so với rất nhiều tác phẩm kinh điển trong kho tàng âm nhạc hàn lâm. Gần như những người yêu nhạc cổ điển, thính phòng đều biết đến các tác phẩm này".
Gần 2 tiếng xem đến cuối chương trình, tôi cảm nhận “Hòa nhạc chào xuân 2024” là một đại tiệc âm nhạc với nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn khán giả bằng những thanh âm và cảm xúc tươi đẹp của thiên nhiên, của mùa xuân trẻ trung, tươi mới, là một món quà ý nghĩa gửi đến mọi người nhân dịp đầu năm.
Sống ở Đức nhiều năm, nay có dịp về ăn Tết với gia đình ở Hà Nội, theo dõi đêm diễn, ông Vũ Ngọc Lâm bày tỏ: “Nghe những bài hát Việt Nam được biểu diễn trong chương trình, tôi cảm nhận được sự sang trọng và hào hùng. Bởi đây là lần đầu tiên tôi nghe những bài hát quen thuộc được hòa âm phối khí với dàn nhạc giao hưởng.Trước khi đến đây, tôi nghĩ concert này chỉ dành cho người lớn tuổi, nhưng thực tế thì khán phòng rất đông các bạn trẻ. Điều đó cho thấy những thay đổi thú vị trong thưởng thức âm nhạc của người Việt”.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Đạo Tâm - người Việt Nam đang sống ở Nhật nói: “Tôi đã khóc khi xem clip Mùa xuân đầu tiên - ca khúc mở màn chương trình do bạn tôi gửi. Tôi đã khóc vì nhớ nhà và vì ca sĩ Phạm Thu Hà hát cảm xúc quá”.
Còn ca sĩ Phạm Thu Hà, người mở màn chương trình với nhạc phẩm “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao thì bày tỏ: “Tôi vô cùng tự hào và biết ơn khi được cất cao lời hát mang theo bao hoài niệm về lịch sử của thế hệ cha anh”.
Với “Mùa Xuân đầu tiên”, cô đã thành công khi chuyển tải được lời nhắn gửi của Nhạc sĩ Văn Cao với đất nước, với nhân dân về khát vọng ngàn đời của một dân tộc vừa thoát khỏi những năm tháng chiến tranh, bom rơi, đạn nổ, chết chóc đau thương. Trong hoàn cảnh ấy, một “mùa bình thường”, có “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” cũng là “một mùa xuân mơ ước”.
Bằng nhạc phẩm này, khán giả có thể cảm nhận được Văn Cao đã chọn cho mình một lối đi riêng trong không khí đầy tự hào của ngày chiến thắng, khi ông viết:“...Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người...”.
Với Phạm Thu Hà và những nghệ sĩ của dòng nhạc thính phòng thì Nhà hát Hồ Gươm không đơn thuần là điểm biểu diễn mà còn là “thánh đường” của nghệ thuật. Được một lần biểu diễn trong không gian nghệ thuật đỉnh cao về âm thanh và kiến trúc; nơi mà sự giao hoà giữa các yếu tố truyền thống với sự trẻ trung, hiện đại tươi mới như Nhà hát Hồ Gươm là một niềm hạnh phúc; giúp nghệ sĩ có cơ hội được tự do vẫy vùng, tự tin tỏa sáng, cống hiến hết mình cho công chúng.
Phát triển văn hóa - cần nói ít, làm nhiều, làm thật
Tôi bắt đầu ấn tượng với những hoạt động văn hóa của ngành Công an từ khi Đoàn nghi lễ của Bộ biểu diễn phục vụ công chúng trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm mấy năm trước. Sau Hà Nội, công chúng Hải Phòng, Hưng Yên… cũng đã được đoàn biểu diễn phục vụ, cho thấy sự gần gũi, thân thiện, gắn kết giữa hoạt động của lực lượng CAND với đời sống xã hội. Rồi Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022 nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập CAND. Nhất là từ khi Nhà hát Hồ Gươm trên phố Hàng Bài đi vào hoạt động từ giữa năm ngoái.
Với phong cách kiến trúc tân cổ điển, mang dấu ấn kiến trúc châu Âu xưa, sang trọng, lộng lẫy và hiện đại, Nhà hát Hồ Gươm là một công trình ấn tượng của văn hóa thủ đô. Công trình được Trang web 10best của tổ chức “Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards' (WTA) vinh danh là “một trong những nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới”, dựa trên vị thế mang tính biểu tượng, thiết kế đẹp tráng lệ và những trải nghiệm nghệ thuật khó quên mang tới cho công chúng, cũng như là minh chứng cho sức hấp dẫn bền bỉ của loại hình nghệ thuật opera, khi sở hữu hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu.
Sự công nhận của các chuyên gia du lịch thế giới đã góp phần củng cố vị thế của Nhà hát, cho thấy tiềm năng và sức ảnh hưởng quốc tế của công trình,đồng thời tôn vinh những đóng góp của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng với bạn bè thế giới trong lĩnh vực văn hóa.
Khẳng định điều này để thấy rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa, cần lắm sự quyết tâm và tình yêu đích thực dành cho nghệ thuật. Bởi hơn 10 năm trước, chúng ta đã từng nghe đến đề án xây dựng 100 nhà hát, rạp chiếu phim với kinh phí dự tính hơn 10.000 tỉ đồng!
Trở thành biểu tượng mới của văn hóa thủ đô khi là nơi biểu diễn những chương trình nghệ thuật đỉnh cao, nhưng cánh cửa Nhà hát Hồ Gươm cần rộng mở hơn nữa để công chúng có cơ hội được thưởng thức các loại hình nghệ thuật hàn lâm. Hãy mạnh dạn nghĩ về những ước mơ xa hơn để trong tương lai, Nhà hát Hồ Gươm trở thành nơi hội tụ của các sự kiện âm nhạc đỉnh cao của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Hãy nghĩ và làm ngay để một ngày không xa, du khách nước ngoài phải mua vé đến Hà Nội tham dự các sự kiện âm nhạc đặc biệt. Hãy bắt tay đào tạo các tài năng âm nhạc ngay từ khi còn là những đứa trẻ có năng khiếu. Cùng với đó, cần có chiến lược đầu tư đồng bộ về nhân lực, công nghệ, hạ tầng cho văn hóa. Phát triển Công nghiệp văn hóa cần rất nhiều tiền, nhưng điều cần trước hết vẫn là cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo. Một khi đã có tâm với văn hóa thì điều gì cũng có thể!