Nằm trên giường bệnh, Phương Anh (12 tuổi, quê Cẩm Sơn, Thái Nguyên) rất khó nhọc khi trò chuyện. Tuyến vú của bệnh nhi phát triển bất thường gần 1 năm nay.
Dù con gái đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng mẹ em cũng giật mình khi phát hiện tuyến vú của con lớn theo từng ngày. Ban đầu, bố mẹ nghĩ do Phương Anh dậy thì sớm nhưng khi thấy tuyến vú phát triển quá nhanh nên đã đưa con đến bệnh viện.
Từ Thái Nguyên xuống Hà Nội chăm sóc con gái, bố của Phương Anh cho biết, trước đó, gia đình đưa em đến một bệnh viện nhi, bác sĩ kết luận em mắc bệnh tuyến vú khổng lồ và khuyên chờ đến 16-18 tuổi mới có thể can thiệp. Nhưng thấy tình trạng của con bất thường, tuyến vú tiếp tục phát triển, gia đình đã đưa Phương Anh đến Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
“Cháu khó thở do bị tuyến vú nặng nề đè vào lồng ngực. Từ ngày mắc bệnh, cháu thường tâm sự với mẹ những mặc cảm do sự bất thường của cơ thể. Cháu cũng dần trầm lặng, khép kín hơn. Chúng tôi thương con mà không biết làm gì hơn”, bố em nói trong nước mắt.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, hai bầu vú của bệnh nhi mỗi bên đo được 3.000ml. Tuyến vú phát triển nhanh chóng đến mức bệnh nhân không thể đi lại, khó thở và phải nghỉ học.
Về trường hợp này, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, hiện phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, nguyên nhân là do trẻ mắc bệnh Philoid. Bệnh này phát triển mạnh mẽ, có các khối u rõ ràng. Đa số u lành tính nhưng cũng có một tỷ lệ ác tính hóa.
Thực hiện ca mổ là GS Trần Thiết Sơn, Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai - người đã từng tiến hành phẫu thuật hơn 200 ca vú phì đại.
GS Trần Thiết Sơn đánh giá đây là ca bệnh khó. Phương Anh cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ông từng thực hiện phẫu thuật thu nhỏ vú phì đại.
“Bệnh nhi càng nhỏ tuổi, ngực phì đại càng nhanh. Trường hợp bé 12 tuổi chỉ mới xuất hiện trong một năm, đi qua nhiều bệnh viện nhưng không chẩn đoán ra bệnh, kéo dài thời gian điều trị khiến bệnh nặng nề hơn. Trẻ càng lớn khối u càng to, phẫu thuật càng nhiều trở ngại", GS Sơn thông tin.
Cũng theo GS Trần Thiết Sơn, hiện tượng này ảnh hưởng đến đời sống, gây bất tiện, ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Mang bộ ngực lớn có thể gây cong vẹo cuộc sống và kéo toàn bộ hệ thống mạch máu ở cổ bị biến đổi dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não kèm biến đổi về tâm lý. Trẻ không dám sinh hoạt, vận động, ngại tiếp xúc với bạn bè. Hệ lụy là nhiều trẻ sống thu mình, bỏ học hoặc không dám đi học.
Vì vậy phẫu thuật là phương pháp tốt nhất giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu cũng như mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Cũng theo GS Sơn, các bác sĩ phải tiến hành nhiều xét nghiệm, giải phẫu hai bên ngực, đưa ra kế hoạch phẫu thuật để có kết quả tốt nhất. Ngoài ra, bác sĩ cũng phải cân đo đong đếm, cắt ngực với khối lượng phù hợp như lúc trẻ 16 tuổi. Việc này nhằm mục đích để đến 22 tuổi, bệnh nhân có bộ ngực với kích thước bình thường.
Giai đoạn hậu phẫu cũng được đánh giá rất quan trọng vì bệnh nhân thường mất nhiều máu, phải kiểm soát trong 24 giờ kết hợp truyền dinh dưỡng bằng tĩnh mạch để phục hồi.
Đầu tháng 6 vừa qua, Phương Anh đã được các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật cắt bỏ khối u hai vú khoảng 6kg. Ca mổ áp dụng phương pháp thu gọn vú có bảo tồn, giúp bệnh nhân giữ nguyên được cảm giác, cho con bú bình thường và vẫn đảm bảo hình thể tuyến vú.
Cũng theo các chuyên gia, trẻ nhỏ ngại tương tác với người lớn, đặc biệt là những vấn đề tế nhị vì vậy khi ngực phát triển lớn, gia đình mới phát hiện ra.
Do đó, phụ huynh luôn phải có sự trao đổi với con cái. Bên cạnh đó, khi phát hiện dấu hiệu bất thường của con, gia đình nên đến cơ sở có chuyên môn phẫu thuật tạo hình để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tên nhân vật đã thay đổi
Ngọc Trang