Chợ Gò (Bình Định)

Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền "đất võ" Bình Định. Phiên chợ này có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Mặt hàng bày bán ở chợ Gò không đa dạng như ở nhiều chợ khác, chủ yếu là "cây nhà lá vườn" của những cư dân quanh vùng nuôi trồng được. Nét đẹp của phiên chợ Gò đã thành văn hóa truyền thống là người bán không hề nói thách, còn người mua cũng không trả giá. Người bán nhỏ nhẹ, người mua từ tốn, cứ như đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất đầu năm.

{keywords}
Quang cảnh buổi họp chợ Gò ngày mồng 1 Tết. (Ảnh: Lâm Linh Thu)

Một điều thú vị nữa ở chợ Gò là nhiều cặp trai gái đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ này. Ngoài ra, người dân còn đến chợ để "thưởng thức" các trò chơi vui xuân mang màu sắc dân gian quy tụ nhiều "tài tử văn nhân" khắp vùng về đây thi thố.

Chợ Chuộng (Thanh Hoá)

Chợ Chuộng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào mùng 6 Tết tại xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa. Dù bận rộn, người ta vẫn tấp nập kéo nhau về đây họp chợ. Chẳng thế mà có câu "bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng".

Nét độc đáo của chợ Chuộng là ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc nhiều tài. Vì thế, tại phiên chợ thường bán rất nhiều cà chua chín đỏ.

Tương truyền, chợ có từ thời Lê Lợi tập hợp nghĩa quân chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Trải qua nhiều đời, đến nay, chợ vẫn thu hút hàng nghìn người gần xa.

Chợ Âm Dương (Bắc Ninh)

Chợ Âm Dương (còn gọi là chợ Gà, chợ Âm Phủ), họp tại làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).

{keywords}
Chợ Âm Dương

Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng Giêng Âm lịch. Đây là một phiên chợ đặc biệt, dựa trên quan niệm dân gian cho rằng người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ linh hồn hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm linh hồn tan tác... Tại phiên chợ này, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền.

Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.

Chợ Đình Cả (Hải Dương)

Vào sáng mùng 2 Tết hàng năm, tại khu vực Đình Cả thuộc xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, một phiên chợ đặc biệt lại được diễn ra. Chợ chỉ họp một năm duy nhất một lần, thu hút hàng nghìn người trong và ngoài xã tham gia.

Phiên chợ này gắn liền với sự tích Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và sự đổi thay của làng quê, nhưng phiên chợ duy nhất hàng năm này vẫn được duy trì và ngày càng mở rộng.

Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới. Người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất là một món đồ nhỏ.

Chợ Bích La (Quảng Trị)

Chợ đình Bích La (tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được xem là phiên chợ đặc biệt, bởi chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm. Từ tối mùng 2 Tết, chợ tập trung rất đông người đến tham dự. Phiên chợ sẽ diễn ra đến sáng mùng 3 Tết.

{keywords}
Chợ đình Bích La (Ảnh: Lâm Linh Thu)

Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán không bao giờ nói thách nên người mua cũng không bao giờ trả giá. Chợ khá đa dạng mặt hàng nhưng chủ yếu là những sản vật của địa phương như: lá chè, cành cây phát lộc, cây mía, cau trầu, gói muối, cá chép,... Ai đến chợ cũng cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.

Chợ Bến (Quảng Bình)

Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp dọc theo bờ sông Nhật Lệ, không có địa điểm nhất định.

Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...

Chợ Viềng (Nam Định)

Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định. Ở Nam Định có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng nhất là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một lần và họp vào lúc nửa đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng.

{keywords}
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định.

Chợ Viềng bán nhiều mặt hàng từ cây cảnh, cây giống, đến các đồ nông cụ, sản xuất nông nghiệp như thúng, mủng, quang gánh, liềm, cuốc xẻng... Nhiều người cho rằng, mua những vật dụng này tại phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu, no đủ. Việc bán mua, nhất là mua bán đồ cũ ở đây chỉ cốt để “bán rủi, mua may".

Chợ Gia Lạc (Thừa Thiên - Huế)

Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Chợ chỉ họp mỗi năm một phiên, vào ba ngày Tết, với nhiều món ăn cung đình và đặc sản của các địa phương như: thịt heo quay, các loại bánh mứt, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu hương chợ Dinh, cau Nam Phổ...

Đầu xuân, đi chợ Tết Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế, họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm. Khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”.

Chợ đình Phong Lôi (Thái Bình)

Phiên chợ này một năm chỉ họp duy nhất một lần, vào ngày mùng 2 Tết và chỉ dành cho trẻ em. Phiên chợ được tổ chức tại sân đình Phong Lôi Tây, xã Đông Hợp (huyện Đông Hưng, Thái Bình), được duy trì hàng chục năm qua.

{keywords}
Chợ đình Phong Lôi Tây (Ảnh: Thái Bình)

Chợ chỉ bán đồ chơi cho trẻ em. Đúng mùng 2 Tết, chợ bắt đầu mở phiên và kéo dài trong hết buổi sáng. Khách hàng của phiên chợ độc đáo này toàn là trẻ em. Trên khoảng sân đình rộng rãi và sạch sẽ, lát gạch đỏ, những quầy hàng bán đồ chơi được bày trên tấm bạt trải trên mặt sân, đồ chơi xếp thành đống. Những đứa trẻ xúng xính váy áo đến chơi chợ, chọn cho mình một món đồ chơi ưng ý.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Độc đáo phiên chợ Âm - Dương huyền bí họp lúc nửa đêm

Độc đáo phiên chợ Âm - Dương huyền bí họp lúc nửa đêm

Chợ Âm - Dương nằm ở địa phận làng Ó, nay là làng Xuân Ổ (xã Võ Cường, TP Bắc Ninh), mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng Giêng Âm lịch.