Tại lễ ký, Tổng thống Marcos khẳng định, “nếu đang gặt hái những phần thưởng của một nền kinh tế số hiệu quả, bạn phải đóng góp cho sự phát triển của nó”.

Đạo luật Cộng hòa 112023 áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 12% đối với các dịch vụ kỹ thuật số do các doanh nghiệp thường trú và không thường trú nước ngoài cung cấp, bất kể họ có hiện diện thực tế ở Philippines hay không.

Một ủy ban lưỡng viện bao gồm các thành viên của Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật vào tháng 6. Đây cũng là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Marcos.

07ue0f5x.png
Netflix bị đánh thuế 12% tại Philippines theo luật mới. Ảnh: Bloomberg

Luật bổ sung một điều khoản, quy định các dịch vụ kỹ thuật số do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp được xem là thực hiện hoặc cung cấp ở Philippines, nếu chúng được tiêu thụ ở Philippines. Biện pháp này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà cung cấp trong và ngoài nước.

Theo đại biểu Joey Salceda của Hạ viện, các công ty nước ngoài có lợi thế “truy cập không bị cản trở và đánh thuế” như trong nước. Điều này thể hiện rõ nét trong dịch Covid-19, khi ông lần đầu trình dự luật.

Cụ thể, nếu các nhà sản xuất nội dung trong nước phải chịu thuế VAT và thu nhập, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài lại không.

Bộ Tài chính dự kiến việc áp thuế VAT mới sẽ tạo ra khoảng 83,8 tỷ peso (1,4 tỷ USD) từ năm 2024 đến năm 2028. Các nhà lập pháp có kế hoạch phân bổ 5% số tiền này để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo địa phương.

Đạo luật Cộng hòa  112023 áp dụng cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài, đề cập đến những dịch vụ được cung cấp qua Internet hoặc mạng điện tử sử dụng công nghệ thông tin, chẳng hạn công cụ tìm kiếm trực tuyến, chợ điện tử, dịch vụ đám mây, phương tiện truyền thông trực tuyến, quảng cáo, nền tảng kỹ thuật số và hàng hóa kỹ thuật số.

Nó đồng nghĩa các nền tảng phổ biến như Netflix, Disney+, Shein, Temu và Amazon giờ đây sẽ phải trả thuế VAT cho các dịch vụ kỹ thuật số mà họ cung cấp cho người tiêu dùng ở Philippines ngay cả khi họ ở nước ngoài.

Ủy viên Romeo Lumagui cho biết, để thực thi luật, Cục Thuế vụ (BIR) sẽ ban hành các quy định tập trung vào việc điều chỉnh các nền tảng, các nền tảng chịu trách nhiệm quản lý người bán hàng trên các sàn của mình.

"Những gì chúng tôi sẽ làm là tập trung vào các nền tảng. Mọi thứ đều đi qua họ. Họ giám sát các nhà cung cấp – người bán hàng. Chúng tôi sẽ ban hành các quy định về cách họ sẽ báo cáo cho chúng tôi", ông phát biểu trong cuộc họp báo sau khi công bố luật.

Vì việc bán hàng và giao dịch trên các nền tảng kỹ thuật số đều được ghi lại, BIR có thể xem xét hồ sơ để hiểu được các nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài đang kinh doanh ra sao, kiểm tra chéo với các khoản thanh toán đang thực hiện. Nếu thấy chênh lệch, họ sẽ được gọi đến. Luật cho phép chặn trang web hoặc nền tảng để buộc tuân thủ.

Vào tháng 9, Chủ tịch Thượng viện Chiz Escudero nói, BIR sẽ phải đảm bảo công chúng được thông tin đầy đủ về việc áp dụng thuế VAT. Theo ông, thách thức hiện nay nằm ở thực thi.

Theo Ủy viên Lumagui, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ số sẽ quyết định có tăng phí thuê bao sau khi bị áp thuế VAT 12% hay không. Chính phủ sẽ không đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với việc tăng phí có thể xảy ra vì “các nguyên tắc tự nhiên của kinh tế học trên thị trường sẽ cân bằng điều đó”. Nếu tăng giá quá cao, họ sẽ bị mất người dùng.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã giới thiệu luật tương tự. Cụ thể, Singapore, Indonesia và Malaysia thiết lập các quy định mới để áp thuế kỹ thuật số vào năm 2020, trong khi Thái Lan áp thuế VAT đối với các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài vào năm 2021.

(Theo Philstar, Bloomberg)