Có thể thể thấy rõ phản ứng trái chiều bên trong nội bộ Philippines qua các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm Obama của một bộ phận dân chúng.

>> Tìm kiếm MH370 và chiếc lược 'buộc chặt rồng TQ'

>> Vì sao Obama thăm đồng minh lúc này?

>> Cơn ác mộng khi Mỹ mềm mỏng với Trung Quốc

Philippines sẽ là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm lần này của ông Obama tới Châu Á - Thái Bình Dương. Một chuyến thăm rất được mong đợi trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines.

Dự kiến, mối quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh, an ninh hàng hải cũng sẽ được thảo luận với tần suất dày đặc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai quan hệ đồng minh này.

Quan hệ đồng minh đang được làm mới

Philippines là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á với Hiệp ước Đồng minh Mỹ - Phi được ký kết từ năm 1951. Không những thế, Philippines còn là thuộc địa cũ của Mỹ từ 1848 - 1946. Mối quan hệ khăng khít giữa hai nước kéo dài trong suốt thời chiến tranh Lạnh khi căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark là hai căn cứ thông tin, tình báo và quân sự lớn nhất và tập trung nhất của Mỹ tại Đông Nam Á. Các hiệp ước thuê căn cứ quân sự song phương đã không được gia hạn sau chiến tranh Lạnh, do một số vấn đề nội bộ ở Philippines và tình hình khu vực được cải thiện.

Tuy nhiên, tình hình an ninh chủ quyền của Philippines xấu đi trong 20 năm trở lại đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và đặc biệt là tại các khu vực ly khai ở trong nước. Mối đe dọa từ Trung Quốc được cho là nhân tố chính khiến Manila mong muốn làm mới lại mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Chuyến đi thăm Philippines của ông Obama tiếp nối chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Aquino tới Washington vào năm 2012, và cũng nhân dịp vòng thứ tư của Đối thoại chiến lược Mỹ - Phi vừa kết thúc tháng trước.

Đối thoại Chiến lược, vốn được khởi động từ năm 2011, được coi là kết quả ấn tượng nhất trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên trong 5 năm trở lại đây. Trọng tâm chính của các vòng đối thoại này là thiết lập nên một Hiệp ước mới cho phép nước Mỹ có thể luân chuyển quân và hiện diện tại các căn cứ quân sự ở Philippines. Người Mỹ hy vọng sẽ kết thúc đàm phán trong chuyến thăm Manila lần này của ông Obama.

Bên cạnh hợp tác quân sự vốn tạo được sự chú ý rất lớn, thì những vấn đề về kinh tế và văn hóa cũng sẽ có một đóng góp không nhỏ tới quan hệ đồng minh hai bên. Ở Mỹ hiện tại có 4 triệu người Mỹ gốc Philippines, chưa kể người gốc Philippines cũng được coi là nhóm dân tộc có số lượng người sinh ở nước ngoài lớn nhất làm việc cho quân đội Mỹ.

Một cuộc khảo sát gần đây ở Philippines cho thấy 80% người dân cho rằng nước Mỹ đóng một vai trò tích cực trên trường quốc tế. Trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Philiippines với thương mại hai chiều đạt 22 tỷ USD trong năm 2011. Thêm vào đó, Philippines cũng đang có ý định gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

{keywords}

Một số người dân Philippines biểu tình phản đối chuyến thăm của TT Obama ngày 23/4. Ảnh: AP

Những thách thức phía trước

Chính sách tái cân bằng tại châu Á, với luồng sinh khí mới sau khi ông Obama tái đắc cử, phải đối diện với những mối hoài nghi từ bên ngoài lẫn trong nội bộ. Người ta vẫn chưa quên được chuyện Tổng thống Obama phải huỷ các chuyến thăm Malaysia, Philippines, vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh APEC và Mỹ - ASEAN năm ngoái do Chính phủ Mỹ đóng cửa. Ngoài vấn đề tài chính, Washington còn bị phân tán bởi những sự kiện đang xảy ra tại Ukraina và Trung Đông.

Ngày 17/4, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã lên tiếng phê bình việc thực hiện chính sách này hiện nay. Theo đó, việc tái cân bằng quá chú trọng đến phân bổ lực lượng quân sự và nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với mối nghi ngờ rằng liệu chiến lược này có bị "mất lửa" không sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon từ nhiệm.

Sau đó, Thượng viện Mỹ kêu gọi phải thực hiện việc tại cân bằng dựa trên các yếu tố ngoại giao, kinh tế và xã hội dân sự nhiều hơn. Ngoài ra, Mỹ cần giúp Trung Quốc phát triển một cách tích cực, tôn trọng luật pháp quốc tế thay vì kìm hãm nước này.

Những yêu cầu trên về cơ bản không khác những gì bà Susan Rice phát biểu năm 2013; tuy nhiên, lời chỉ trích của Thượng viện cho thấy còn có nhiều khác biệt giữa việc đề ra phương châm và quá trình thực hiện chính sách.

Đối với Philippines, sự kiện bãi cạn Scaborough đã cho thấy sự lưỡng lự của Mỹ khi phải can thiệp vào các bất ổn khu vực. Người Philippines tin rằng đã tới lúc phải tự giải quyết các vấn đề của riêng mình mà không cần phải dựa dẫm quá nhiều vào một Hiệp ước Đồng minh kéo dài hơn 50 năm qua.

Có thể thể thấy rõ phản ứng trái chiều bên trong nội bộ Philippines qua các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm Obama của một bộ phận dân chúng. Mặc dù Manila đang gặp phải rất nhiều thách thức về chủ quyền đối với Trung Quốc, mà gần đây nhất là vụ các lực lượng hành pháp biển của Bắc Kinh quấy rối bãi cạn Ayungin trong suốt tháng 3, vẫn có những ý kiến phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines. Như Tổng thư ký Đảng cánh tả Bayan đã phát biểu: "Cách tốt nhất để Philippines đứng lên chống lại Trung Quốc hay bất cứ kẻ xâm lược nước ngoài nào khác là làm sao để Philippines thật sự độc lập..."

Thậm chí ngay ở Manila, Tổng thống Benigno Aquino cũng tỏ một số thái độ trước sự lừng khừng giúp đỡ của Mỹ. Chỉ ba ngày trước khi Tổng thống Obama đến Manila, ông Aquino lại lên tiếng sẽ mua máy bay huấn luyện - chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc để thay thế các chiếc F-5 sử dụng từ thời chiến tranh VN nay đã xếp xó, cùng tám trực thăng chiến đấu đa năng của Canada. Nước Mỹ hằng năm chỉ hỗ trợ một khoản viện trợ quân sự rất nhỏ, trong khi nhu cầu về vũ khí hiện tại của Philippines là rất lớn, đặc biệt là các vũ khí không quân và hải quân.

Thuận Phương