Phố cà phê đường tàu Phùng Hưng nằm trên 3 phường Điện Biên (quận Ba Đình), Cửa Nam, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) là địa điểm thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.
Nơi đây từng nhiều lần bị đóng cửa, cấm kinh doanh vì lý do không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt. Các phường đã phải lập chốt chặn ở hai đầu, treo biển cảnh báo nguy hiểm bằng 2 thứ tiếng Anh - Việt, cắt cử lực lực lượng an ninh dân phòng canh chốt.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm và cảnh báo nguy hiểm, nhiều du khách vẫn kéo đến phố cà phê đường tàu Hà Nội để trải nghiệm "cảm giác mạnh" khi đoàn tàu vụt qua.
Dù đã bố trí lực lượng chốt chặn và yêu cầu các hộ dân ký cam kết, tình trạng kinh doanh cà phê trên đường sắt vẫn tiếp tục diễn ra náo nhiệt như trước. Mới đây, lãnh đạo phường Điện Biên (quận Ba Đình) đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền tiến hành di chuyển tuyến đường sắt ra khỏi nội đô hoặc giải tỏa các hộ dân nằm trong phạm vi nguy hiểm.
Đề xuất này đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng: “Nếu để tình trạng kinh doanh như hiện nay mà không có biện pháp an toàn, sẽ rất nguy hiểm. Bởi gần đây đã từng xảy ra trường hợp người dân lao ra đường ray khi đoàn tàu đang đến rất gần."
Ở chiều ngược lại, không ít người thừa nhận rằng hình thức kinh doanh này không đúng quy định nhưng lại là một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Họ cho rằng thay vì cấm, cần có biện pháp vừa khai thác, vừa đảm bảo an toàn cho du khách và đoàn tàu.
Một độc giả chia sẻ: “Chúng ta không nên cứng nhắc, cái gì không quản lý được thì sợ trách nhiệm rồi cấm. Cấm nhưng người ta vẫn làm còn nguy hiểm hơn.”
Điểm du lịch hấp dẫn, tại sao không quản được thì cấm?
Trao đổi với VietNamNet, ông Dương Văn Tiến, CEO Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Tico Travel cho rằng, phố cà phê đường tàu là một điểm đến đặc biệt, mang đậm dấu ấn của Hà Nội, nơi hội tụ giữa sự sôi động của cuộc sống đô thị và vẻ đẹp hoài niệm của đường sắt.
Dưới góc nhìn của một người làm du lịch, ông Tiến cho rằng thay vì cấm đoán, Hà Nội cần tìm cách khai thác giá trị độc đáo của con phố này một cách có trách nhiệm, để vừa giữ được sức hút vừa đảm bảo an toàn cho mọi người.
Dẫn chứng từ nhu cầu thực tế của du khách quốc tế đến Hà Nội qua đơn vị mình, ông Tiến cho biết họ không chỉ muốn tham quan mà còn muốn trải nghiệm. Những điểm đến như phố cà phê đường tàu là nơi du khách có thể cảm nhận nét văn hóa độc đáo, phong cách sống địa phương, đồng thời tìm kiếm những khoảnh khắc đáng nhớ để chia sẻ.
“Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tìm ra cách quản lý hiệu quả những điểm đến có yếu tố "mạo hiểm" mà không làm mất đi sự hấp dẫn. Chẳng hạn, tại chợ đường ray Maeklong ở Thái Lan, du khách có thể trải nghiệm tàu chạy qua chợ một cách an toàn nhờ hệ thống cảnh báo, lịch trình tàu được thông báo rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ tại chỗ”, ông Tiến cho biết.
Tương tự, tại Nhật Bản, các điểm tham quan gần đường tàu thường được trang bị rào chắn, biển báo và khu vực riêng cho việc ngắm cảnh, vừa đảm bảo an toàn vừa tôn trọng không gian sống của người dân địa phương", ông Tiến dẫn chứng.
Trở lại với phố cà phê đường tàu của Hà Nội, ông Tiến khẳng định rằng hoàn toàn có thể biến nơi đây thành một sản phẩm du lịch độc đáo nếu được quản lý bài bản.
“Điều quan trọng là phải có một kế hoạch quy hoạch chi tiết, lắp đặt các biện pháp an toàn như rào chắn, biển cảnh báo và tổ chức các khu vực tham quan hợp lý. Đồng thời, việc hợp tác với các hộ kinh doanh tại khu vực này cũng rất cần thiết, để họ trở thành một phần trong việc đảm bảo an toàn và nâng cao trải nghiệm du lịch cho khách.
Tôi nghĩ rằng với cách quản lý và vận hành phù hợp, phố cà phê đường tàu không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa độc đáo của khách du lịch quốc tế mà còn trở thành biểu tượng du lịch bền vững của Hà Nội. Đây là cơ hội để chúng ta chứng minh rằng Việt Nam có thể cân bằng giữa phát triển du lịch và trách nhiệm cộng đồng, mang đến những trải nghiệm đáng nhớ và an toàn cho du khách quốc tế”, ông Tiến bày tỏ.
Góp ý thêm, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, nhiều du khách quốc tế nhận xét phố cà phê đường tàu Hà Nội là "điểm du lịch phải ghé đến một lần trong đời", vậy tại sao chúng ta không biến nó thành điểm đến hấp dẫn, an toàn - một sản phẩm du lịch độc đáo?
Thay vì cấm cửa, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp khác để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, như lắp rào chắn, giảm tốc độ tàu, lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán. Du khách muốn đến tham quan cũng cần cam kết tuân thủ các quy định an toàn, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.