- Mọi người không được chủ quan, chúng ta đã bắt đầu bước vào một trận chiến phòng chống bão lũ sau nhiều năm thời tiết khô hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhiều lần.
Chia sẻ tại cuộc họp rút kinh nghiệm 2 cơn bão đầu mùa tổ chức tại Bộ NN&PTNT chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận khi đi kiểm tra ban đầu, ông không nghĩ cơn bão số 1 lại to như vậy.
Nhưng cơn bão lại diễn biến nhanh và phức tạp, lại ở lâu trong đất liền. So với cấp báo dự báo ban đầu là 8-9, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã nâng lên cấp 10-11 để chủ động chuẩn bị chu đáo đến mức có thể ngủ ngon. Buổi sáng thì nghe tin bão giật đến cấp 13.
Cơn bão số 2, siêu bão cấp 17, dù không đổ bộ vào VN nhưng hoàn lưu bão lại gây mưa lớn, lũ quét, sạt lử đất, thiệt hại nghiêm trọng ở Lào Cai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Chung Hoàng |
"Có nơi, hai vợ chồng ngủ trên tầng hai nhà sàn, ba đứa con 2 gái và bé trai mới sinh nằm giường dưới tầng 1 bị sập đúng lúc lũ quét qua. Một gia đình khác, mẹ và 2 con nhỏ bị lũ cuốn đi trong đêm, có người ngồi trên ô tô nói có nhìn thấy họ chới với mà không tài nào cứu được", Phó Thủ tướng kể những câu chuyện thương tâm ông được nghe khi đi thị sát.
"Mất mát của người dân do thiên tai gây ra là rất lớn và không hề công bằng".
Ông nói vậy để lưu ý rằng dù thiệt hại về người trong 2 cơn bão đã được giảm thiểu nhờ công tác chuẩn bị, thì thiệt hại về người vẫn là đáng suy nghĩ. Theo số liệu từ Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, trong bão số 1 có 7 người chết và 63 người bị thương, bão số 2 có 13 người chết (trong đó có 12 người ở Lào Cai) và 19 người bị thương.
Những thiệt hại khác cũng được cuộc họp lưu tâm phân tích. Trong bão số 1 có 3 nghìn gôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, 82 nghìn tốc mái, hư hỏng, 200 nghìn cây xanh đổ gãy, 31 nghìn cột điện gãy, đổ nghiêng. Trong bão số 2, 58 nhà đổ sập, 3.500 nhà bị cuốn trôi, 15 cầu treo hư hỏng...
Từ đó chỉ ra những vấn đề mà các địa phương bị thiệt hại trong hai cơn bão, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Lào Cai, Bắc Kạn đều ghi nhận: Các công trình, nhất là ven biển, chưa được thiết kế và thi công để có thể chịu được gió trên cấp 10.
Lần đầu tiên có 4 tỉnh thành mất điện 100%, gây ra nhiều khó khăn cho công tác khắc phục, nhất là việc cứu các diện tích lúa mới cấy bị ngập úng.
Cũng băn khoăn về số lượng cột điện gãy đổ lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu tập đoàn Điện lực VN (EVN) kiểm tra thường xuyên chất lượng xây dựng và khả năng chống chọi của hệ thống cột điện.
Tuy vậy, đại diện các địa phương và cơ quan đều nhận định sự chuẩn bị đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người, nhất là trên biển, khi đã kiên quyết kêu gọi, yêu cầu tàu thuyền và ngư dân vào bờ tránh trú bão.
Việc nỗ lực cứu được 216 nghìn ha lúa được Bộ trưởng NN&PTNT đánh giá cao. "Thử nghĩ xem sau khi sản lượng lúa ĐBSCL sụt giảm nghiêm trọng vì hạn hán, xâm nhập mặn mà mất thêm 216 nghìn ha lúa ở miền Bắc thì sẽ thế nào", ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Lào Cai thiệt hại nặng nề sau bão số 2. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cuộc họp chia sẻ quan điểm của Phó Thủ tướng là không chủ quan. Như Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng UB TƯ về tìm kiếm cứu nạn, lưu ý, những tình huống như vỡ đê, vỡ đập, lụt lớn còn chưa xuất hiện.
Sắp tới, tình hình thiên tai sẽ còn cực đoan hơn, đồng thời phải lường trước cả nhân tai không mong muốn như việc các nước láng giềng xả lũ vô tình đúng lúc mưa lớn ở nước ta, Thiếu tướng cảnh báo.
Ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn TƯ cũng nhận định trong thời gian tới, El Nino đang chuyển dần sang La Nina, theo đó mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, mưa lũ sẽ có cường độ cao hơn năm ngoái, đặc biệt là khu vực miền Trung.
"Từ nay đến cuối năm còn có 6-8 cơn bão nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến VN", ông Cường cho biết.
Chung Hoàng