Trước thực trạng mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nhiều văn bản quy định và triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn loại tội phạm này.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống nạn mua bán người là tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Nhiều năm qua, các cơ quan ban ngành liên quan cũng như các tổ chức xã hội thường xuyên phối hợp với các nước đẩy mạnh công tác giải cứu, xác minh và tiếp nhận các nạn nhân bị mua bán.

Mới đây, vào tháng 11/2021, tại Trung đoàn 247 (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), Cục đối ngoại, Bộ Công an phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang, Công an tỉnh và Tổ chức trẻ em Rồng xanh (tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội), tổ chức lễ tiếp nhận và bàn giao 14 nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán sang Myanmar.

{keywords}
Công tác truyền thông, phòng ngừa mua bán người tại một địa phương. 

14 nạn nhân trước đó đã được Tổ chức trẻ em Rồng xanh, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và các cơ quan liên ngành nước bạn giải cứu, đưa trở về Việt Nam. Các nạn nhân là người ở các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, Kiên Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa...

Hiện nay, các bộ, ban, ngành liên quan cũng đang xây dựng các quy trình, quy chuẩn rõ ràng về công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong nước cũng như ra nước ngoài; các chính sách, chế độ cụ thể để hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người.

Nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như: gắn với công tác tiếp nhận, hỗ trợ tại Trung tâm Nhà tạm lánh, tạm trú; lồng ghép với các chương trình hoạt động của địa phương (dạy nghề, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống... Ở một số địa phương, các tổ chức quốc tế đã có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD cho các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và những nạn nhân trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, thì sự có mặt của những mô hình hỗ trợ tại cộng đồng là thật sự cần thiết, mang nhiều ý nghĩa lớn.

Với các chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống mua bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, ngày càng có nhiều mô hình nhà tạm lánh, tạm trú tại cộng đồng với đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để có nhiều nạn nhân bị mua bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết, có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Để công tác xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân đạt hiệu quả thực chất, công tác phối hợp liên ngành trong và ngoài nước đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bộ Công an đã chủ động phối hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách trong phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đóng góp vô cùng quan trọng trong chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ, việc phối hợp chuyển tuyến, thông tin được chia sẻ đầy đủ để có cơ sở tìm ra giải pháp đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nạn nhân.

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người và trợ giúp nạn nhân, thời gian tới, các cơ quan chức năng của Trung ương, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc bằng nhiều giải pháp linh hoạt, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phối hợp trong xác minh, xác định, giải cứu và hồi hương cho các nạn nhân của loại tội phạm này.

Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thu thập, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan của Việt Nam với các tổ chức nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại về hoạt động của tội phạm mua bán người để kịp thời thông báo cho các đơn vị trong nước triển khai các biện pháp nghiệp vụ liên quan để điều tra, xử lý loại tội phạm này và giải cứu các nạn nhân.

Tiếp nhận yêu cầu từ các đơn vị chức năng để thực hiện hoạt động phối hợp thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người cũng như hỗ trợ các hoạt động xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán đưa về Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan chức năng từ khâu xác nhận tin báo, xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Minh Phúc