Hằng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng hoặc rằm tháng 7 mọi người có tục mua chim, cá thậm chí các loài rắn, rùa về phóng sinh.
Chị V.T.B.V (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ trên cộng đồng “Phóng sinh cầu may”, hai ba tháng chị lại đi phóng sinh một lần. Chị V. từng mua tới hàng trăm con chim phóng sinh và khẳng định chim còn sống, khỏe, có khả năng bay về môi trường tự nhiên. Nhờ chăm chỉ phóng sinh, chị V. tự nhận mình hay gặp may trong công việc.
Người dân có quan điểm rằng phóng sinh các loài động vật sẽ giúp họ may mắn. Nhiều nơi, người dân không chỉ phóng sinh các loài động vật thường thông thường, các cơ quan chức năng từng tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã được người dân mang tới chùa phóng sinh.
Năm 2022, Hạt Kiểm lâm TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) từng tiếp nhận 4 cá thể khỉ từ chùa Q.M (tọa lạc tại TP. Huế) bàn giao. 4 cá thể động vật này được phật tử mang tới chùa phóng sinh. Đây là động vật hoang dã nên nhà chùa đã chủ động tới Hạt Kiểm lâm bàn giao nhằm bảo vệ động vật hoang dã, thả về môi trường tự nhiên. Trong số 4 con khỉ này có 3 con là khỉ Đuôi lợn và 1 con khỉ Mặt đỏ, tất cả đều thuộc nhóm IIB động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.
Thậm chí, tại Sóc Trăng một ngôi chùa được phật tử, khách thập phương đưa đến chùa phóng sinh với số lượng hơn 170 cá thể rùa có loài nguy cấp, quý, hiếm như rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ, rùa răng và rùa biển.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh – Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, tỉnh Hòa Bình, phóng sinh xem là hành động cứu động vật khỏi cơn nguy khốn, thả chúng về tự nhiên. Phóng sinh là giải cứu sinh mạng động vật, phóng sinh tốt. Tuy nhiên, phóng sinh thực sự có ý nghĩa khi bạn nhìn thấy một con vật bị bắt nhốt, động lòng trắc ẩn, bỏ tiền mua và thả chúng. Còn bạn chủ động bỏ tiền, tìm tới các dịch vụ nuôi, nhốt động vật mua và phóng sinh là mưu cầu hơn lòng trắc ẩn.
Theo Đại đức Thịnh, thiếu hiểu biết, nhiều người mua động vật hoang dã thả phóng sinh vô tình trở thành mắt xích quan trọng cho hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Hoạt động thu mua bằng các hình thức nào không được pháp luật công nhận còn kích thích cho hoạt động săn bắt trái phép động vật hoang dã. Thậm chí, khi người phóng sinh không có kinh nghiệm thả một con vật vào môi trường tự nhiên nhưng không rõ điều kiện sống từng loài vô tình lại trở thành sát sinh. Nhiều trường hợp thả chim sau đó lại vô tình chim bị bẫy lại. Các động vật bị nuôi nhốt mất bản năng tự nhiên, thả ra tự nhiên động vật sẽ chết.
Ví dụ, nhiều người thả cá nước ngọt xuống sông nước lợ, thả các động vật ngoại lai như rùa tai đỏ, vô tình hủy hoại môi trường tự nhiên sẵn có của sinh vật đang sống tại đó. Thậm chí, phóng sinh có những loài mang bệnh sẽ vô tình phát tán mầm bệnh đó ra môi trường.
Việt Nam có 868 loài chim, trong đó 109 loài cần quan tâm bảo tồn, 11 loài cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 28 loài sắp nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa. Ngoài việc săn bắt chim bán cho các nhà hàng thì việc săn bắt chim phục vụ cho hoạt động phóng sinh trở nên phổ biến, làm suy giảm đa dạng sinh học, vi phạm các quy định pháp luật về đa dạng sinh học.
Nhằm bảo vệ, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Lực lượng kiểm lâm trên cả nước tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư.