Số dư 60.000 đồng trong tài khoản

Một ngày đầu tháng 12, Đức Duy rút tiền tại một cây ATM ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai), cầm 300.000 đồng và số dư trong tài khoản còn lại 60.000 đồng. Với kỳ lương được nhận vào ngày mùng 10 hàng tháng, cứ sát ngày lương là tiền cũng hết. Khoản tiền mặt trên giúp anh sống trong quãng thời gian một tuần sau đó.

“3 tháng giãn cách vì nghỉ làm, không có lương nên tôi phải vay mượn bạn bè. Giờ mỗi tháng trả dần nợ nên tài khoản thường cạn láng. Ăn trưa ở công ty, nhà vẫn còn mỳ tôm, không chết đói được. Yên tâm”, Duy cười.

Khá hơn người bạn công nhân của mình, Văn Thịnh rút 500.000 đồng thì vẫn còn hơn 2 triệu trong tài khoản. Tuy nhiên, từ khi đi làm trở lại sau dịch, anh chưa thể gửi tiền về cho gia đình đều như trước.

Giống như vấn đề tài chính đang gặp phải của nhiều công nhân khác, mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng khiến Duy và Thịnh luôn rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn: “Hết tiền - Đi vay - Có lương - Trả nợ - Hết tiền”.

{keywords}
Gần tới kỳ lương, số dư trong tài khoản của một công nhân còn 60.000 đồng 
{keywords}
“100 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng” là tâm lý chung của người lao động 

Theo PGS. Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ), qua đại dịch Covid-19 mới thấy rõ câu chuyện của người lao động đi làm công nhân ở các TP lớn. Có người đi 2-3 năm, nhưng cũng có người đã xa xứ đến 5-10 năm, nhưng tích lũy của họ không có gì cả. Số tiền nhiều lắm chỉ giúp cho họ tồn tại trong 3-4 tháng như đợt giãn cách xã hội. Mở cửa là họ bỏ về quê như ong vỡ tổ, vợ chồng - con cái kéo nhau về trên những chiếc xe cà tàng.

Doanh nghiệp thưởng phù hợp, giữ chân lao động

Lương tháng nào hết tháng đấy nên tâm lý người công nhân luôn hướng về những đồng tiền thưởng cuối năm. Đây được coi là khoản dư dật sau một năm lao động để về quê tiêu Tết.

Nếu thưởng vẫn ổn như mọi năm, Văn Thịnh dự định mua một chiếc tivi mới thay cái cũ mà ba má đang dùng ở Long An. Còn Đức Duy dự phòng cho con gái anh vào học lớp 1 sang năm. Tâm lý đối với người lao động luôn là “100 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng” nhưng họ cũng hiểu khó khăn các DN đã phải trải qua trong quý III.

Ở phía chủ sử dụng lao động, việc tính toán quỹ thưởng cuối năm nay không dễ dàng. Một năm vật lộn với dịch bệnh, nhiều tháng sản xuất bị gián đoạn khiến chỉ tiêu trong hoạt động kinh doanh của các DN không đạt như kỳ vọng, đặc biệt là đối với DN ở khu vực TP.HCM.

Đến hết tháng 11, tác động của dịch Covid-19 vẫn rất lớn khiến hầu hết các ngành công nghiệp tại TP.HCM đều giảm so với cùng kỳ, như: sản xuất đồ uống giảm 29,1%; sản xuất trang phục giảm 28,5%; dệt giảm 24,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 24,3%.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2021 giảm 11,8% so với cùng kỳ năm truớc; trong đó, sản xuất hàng điện tử giảm 18,7%; lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 15,1%, cơ khí giảm 10,6%; hóa dược giảm 5,6%.

{keywords}
Các doanh nghiệp dần vào guồng sản xuất và nỗ lực có thưởng Tết cho người lao động

Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - ông Nguyễn Văn Bé - nhận định, thưởng Tết Nguyên đán 2022 tới đây chắc chắn DN nào cũng có, nhưng chỉ đáp ứng được một phần kỳ vọng khi cả người lao động và DN không hoạt động đủ công suất trong 12 tháng. Năm nay, đương nhiên quỹ thưởng thấp hơn so với mọi năm. Thưởng ở mức độ nhất định hoặc DN sẽ chi thưởng thêm khi quay trở lại sản xuất sau Tết để giữ chân người lao động.

Ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, chia sẻ, quỹ thưởng Tết năm nay phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, chốt đơn hàng những ngày cuối năm.

Mọi năm, DN này chi thưởng tháng thứ 13, tương đương mức 1 hoặc 1,5 tháng lương trong năm. Với cách tính lấy tổng quỹ lương chia 12 tháng, nếu thời gian làm “3 tại chỗ”, công nhân làm đủ, có thu nhập thì sẽ được thưởng trọn vẹn 1 tháng lương. Nhưng nếu 3 tháng giãn cách mà không đi làm thì coi như mất phần thu nhập đó. Lúc này, thưởng Tết sẽ giảm tỷ lệ, bằng tổng lương 9 tháng chia cho 12 tháng trong năm.

“Chắc chắn các doanh nghiệp đều cố gắng có quỹ thưởng tốt nhất để khích lệ tinh thần người lao động đã cùng đơn vị vượt qua đại dịch. Doanh nghiệp dù gặp khó khăn nhưng công nhân vẫn là tài sản có giá trị nhất”, ông Sơn nói.

Chủ tịch Phúc Sinh Group, ông Phan Minh Thông, cũng đồng quan điểm. Theo ông, một DN muốn tồn tại bền vững thì cần đối xử tốt với người lao động và coi họ như đối tác lâu dài, đồng hành cùng phát triển. Đại diện Phúc Sinh khẳng định, bất chấp tác động của dịch Covid-19, DN sẽ không để người lao động thất vọng với khoản thưởng cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, TGĐ Công ty Nhựa Bình Minh, thông tin, năng lực tài chính của công ty này vẫn đảm bảo nhu cầu về thưởng Tết cho người lao động, không đến nỗi khó khăn lắm.

Cũng theo ông Ngân, đến tháng 12, các DN đã thấy được khả năng chi thưởng dựa trên kết quả kinh doanh trong năm. Tùy từng DN, quỹ thưởng có thể được hình thành từ quyết định của HĐQT và lợi nhuận trong năm. Dựa trên cấu trúc tiền thưởng và đánh giá mức độ thiệt hại, khó khăn do dịch Covid-19, các DN sẽ có giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo thưởng phù hợp, mục tiêu giữ lực lượng lao động.

Trần Chung

Thực hư chuyện công ty ẩm thực thưởng Tết nhân viên cả trăm triệu

Thực hư chuyện công ty ẩm thực thưởng Tết nhân viên cả trăm triệu

Theo chia sẻ của một số nhân viên công ty ẩm thực ở Đà Nẵng, mức thưởng mà họ nhận được khác nhau, người được nhận 20 triệu đồng, người nhận 100 triệu đồng và có người nhận 120 triệu đồng.