Vừa qua, Sở GD-ĐT Hải Phòng có công văn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.
Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, một số cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động dạy học tích hợp liên môn và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bên ngoài nhà trường chưa hiệu quả.
Hoạt động này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây lãng phí, chưa phù hợp với mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên thực tế đã xảy ra một số vụ việc mất an ninh, an toàn; gây dư luận xấu.
Quyết định gây nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh đồng tình việc hạn chế các hoạt động trải nghiệm trong khi đó, không ít phụ huynh vẫn muốn con được tham gia. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của tác giả, độc giả có ý kiến gì về vấn đề này xin gửi về phần bình luận hoặc email: Bangiaoduc@gmail.com. Xin cảm ơn!
'Con ngóng từng ngày để đi, chả lẽ bố mẹ sân si từng đồng?'
Chị Nguyễn Hồng Trang (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, trẻ con lúc nào cũng trong trạng thái thèm khát được chơi, được ra ngoài đi đó đi đây.
“Hồi trước, cũng phải hơn 30 năm, tôi vẫn nhớ trường cứ tổ chức đi thăm quan là bố mẹ cho tôi đi luôn không cần suy nghĩ, dù cả hai đều chỉ là công chức lương ba cọc ba đồng, lại phải nuôi tới 3 con.
Bố mẹ bảo: "Đời bố mẹ ít được đi đây đó nên muốn con cái được mở mang tầm mắt". Tôi nhớ có lần, mẹ còn phải sang nhà hàng xóm vay tiền cho tôi nộp đi thăm quan vì chưa tới ngày lĩnh lương”.
Chị Trang bây giờ cũng có quan điểm giống bố mẹ trước đây, dù gia đình chị có thể thường xuyên tổ chức những chuyến đi chơi riêng cho các con.
“Ngẫm lại ngày xưa, khi là học sinh, mình háo hức đi như thế nào thì nay con trẻ cũng vậy thôi.
Tôi chẳng thấy những chuyến đi như thế ảnh hưởng đến việc học tập của các con. Nghỉ học một vài ngày, trôi hết kiến thức à? Đi chơi với bạn cũng khác đi với gia đình mà. Các con tôi cứ xốn xang trước cả tuần ấy.
Còn nói về chi phí, có vài trăm nghìn cho con chơi vui cùng bạn bè, tôi nghĩ là không đáng để phụ huynh băn khoăn. Tôi thấy nhiều phụ huynh kỳ lạ lắm, tuần nào cũng nhét cho con vài cốc trà sữa, ăn bữa gà rán hết vài trăm nghìn, bản thân đi gội đầu cắt tóc, làm nail cả triệu bạc không tiếc nhưng cứ đụng đến đóng tiền ở trường là xét nét từng đồng”.
Vợ chồng anh Thắng, chị Hạnh đang làm việc tại một chung cư ở quận 10, TP.HCM. Anh Thắng cho biết mình làm bảo vệ, còn vợ làm tạp vụ, hai anh chị gửi con ở quê nhà Quảng Bình, nhờ ông bà nội chăm sóc.
“Vợ chồng tôi hàng tháng gửi tiền về cho ông bà lo ăn học cho hai cháu. Nhưng tôi cũng dặn ông bà rằng không phải chắt chiu quá, nhất là nếu trường cho đi chơi, ông bà cứ để các cháu đi, không cần tiết kiệm khoản này”.
Lý giải cho quan điểm này, anh Thắng nói hai con đã thiệt thòi nhiều khi không được bố mẹ chăm sóc trực tiếp, hiện tại anh chị cũng không có điều kiện để đưa các con đi đó đi đây nên giờ chỉ trông vào các chuyến đi do trường tổ chức để con được mở mang.
“Mỗi chuyến đi đóng vài trăm nghìn, vợ chồng tôi có khó cũng sẽ lo được. Nói đâu xa, trong này thỉnh thoảng anh em trong đội bảo vệ của tôi hay đội tạp vụ của bà xã tụ tập ăn nhậu, đóng góp cũng 2, 300 nghìn, tôi tiếc gì tiền cho các con đi chơi? Con vui là được.
Thậm chí, tôi nghĩ là trường có cho đi sướng, đóng tiền triệu vợ chồng tôi cũng cố lo được, để con có cơ hội được biết thế nào là "sống sướng", lo học hành phấn đấu làm ăn nếu sau này muốn thường xuyên được hưởng thụ như thế".
“Ai không muốn cho con đi cứ giữ ở nhà”
Anh Lê Quang Sinh (sống và làm việc tại TP.HCM) cho biết, ngày còn nhỏ, khi trường tổ chức thăm quan, không bao giờ anh và chị gái được bố mẹ đồng ý cho đi.
“Phần vì gia đình tôi không có điều kiện nên bố mẹ tiếc tiền, phần vì họ sợ chị em tôi gặp tai nạn hay sự cố trong chuyến đi. Tôi nhớ cả tuổi thơ chả được bố mẹ cho đi đâu ngoại trừ về quê, mỗi năm một, hai lần.
Thế nên bây giờ, dù nhiều năm đã trôi qua, đây vẫn là một điều tôi tiếc nuối khi nhớ về tuổi thơ. Đặc biệt, mỗi khi đi họp lớp, từ lớp cấp 1, cấp 2 đến cấp 3, nghe các bạn nhắc lại kỷ niệm, trêu chọc nhau về những chuyến đi chơi ngày trước, nỗi tiếc nuối này càng trở nên rõ rệt”.
Vậy nên hiện tại, anh Sinh và vợ luôn đồng ý khi con xin đi chơi với lớp. “Đi như thế vui chứ, trước đây tôi đã không được như thế. Bố mẹ không có thời gian đưa con đi chơi, thầy cô cho con đi là tốt lắm rồi.
Tôi còn mong mỗi tháng có một lần đi chơi như thế cho thoải mái. Bây giờ các con học khổ hơn tôi ngày trước, cả ngày ở trường tối về lại làm bao nhiêu là bài tập.
Tôi cũng thấy an toàn, dù lần đầu tiên hơi lo lắng. Nhưng xét cho cùng, đây là hoạt động thiết thực và tôi cũng biết rằng những rủi ro luôn hiện hữu xung quanh, mình cố gắng tránh nhưng không nên tước đi những thứ con xứng đáng có. Nếu cứ mãi sợ nọ sợ kia bao giờ mới hết sợ, mới dám thả con tự lập?
Phụ huynh nào không yên tâm, không muốn cho con đi, cứ để ở nhà. Nhưng tôi khẳng định nếu cấm con đi tham quan với bạn, nhiều bé sẽ thấy buồn” - anh Sinh bày tỏ.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thu (Hà Nội) nói con chị rất thích được đi trải nghiệm tham quan.
“Lần nào đi về con cũng rất vui, kể bao nhiêu chuyện, nên lần nào tôi cũng cho đi. Mỗi năm đi nhiều lắm cũng chỉ khoảng 2 lần. Tôi thấy bỏ ra một ít tiền con được biết thêm chỗ nọ chỗ kia, được một buổi vui chơi thoả thích với bạn bè, lại có người trông coi, thế là được rồi nghĩ nhiều làm gì?”.
“Có những phụ huynh thật lạ lùng, họ không muốn con mình đi vì lý do nào đó, nhưng đồng thời cũng muốn chuyến đi không được tổ chức dù phụ huynh khác không hề vướng mắc. Hay là họ sợ con mình không đi thua kém bạn bè, sợ con buồn, nên cứ muốn tung hê để tất cả phải ở nhà cho “công bằng”?” - chị Thu bình luận.
Một phụ huynh ở Đắk Lắk vừa gửi đơn lên cơ quan chức năng tố cáo nhóm nữ sinh cấp 2 đánh hội đồng con gái chị đến mức phải nhập viện cấp cứu.
Mong muốn con có thêm nhiều trải nghiệm, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tuy nhiên, mỗi lần trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, dù được cô giáo chủ nhiệm gọi điện thuyết phục, anh Thành vẫn từ chối thẳng.
Sở GD-ĐT Hải Phòng vừa có công văn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.