Sử dụng Internet, công cụ trực tuyến để tấn công, lạm dụng tình dục người chưa thành niên, tình dục trẻ em đang trở thành vấn nạn không chỉ của các quốc gia trên thế giới.

Trao đổi với VietNamNet, rất nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về việc con em mình khi sử dụng Internet phải đối mặt với không ít nguy cơ rủi ro, có thể bị xâm hại. 

Không chỉ dừng ở nguy cơ có thể tiếp xúc với những video, thông tin, hình ảnh khiêu dâm hay sai lệch, khi sử dụng mạng Internet, không ít trẻ em vô tình tiết lộ thông tin cá nhân, sau đó bị doạ nạt tống tiền, ép quan hệ tình dục, tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người.

Một số bậc phụ huynh cho biết, trong quá trình học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19, con của họ đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp. Theo thể lệ dự thi, trẻ cần gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã là theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh trong khi không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào. Không ít  bức ảnh kiểu này đã bị chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet.

Nhiều thông tin liên quan tới nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục trên Internet đã được đăng tải trên website của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111. 

Một thống kê từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, gần đây đang gia tăng các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022 đã có 268 cuộc gọi đến tổng đài yêu cầu được tư vấn, trong đó, 31% liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, gần 17% liên quan tới việc cần tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm.

Theo đại diện Phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả khảo sát mới đây về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam liên quan tới nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục cho thấy, 1% trẻ em được khảo sát cho biết đã bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để thực hiện hành vi tình dục; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện tình dục. 

Trước đó, kết quả khảo sát của một đề tài khoa học cấp bộ của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2010 - 2018, lực lượng cảnh sát hình sự đã phát hiện, điều tra xử lý 319 vụ/337 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em dùng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội. Số vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục lợi dụng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội có chiều hướng rất phức tạp, khó kiểm soát, khó phát hiện và đấu tranh.

Cần lưu ý, những số liệu thống kê đều chưa phản ánh thực sự chính xác về việc lợi dụng trẻ em trong việc sử dụng Internet để dụ dỗ xâm hại hoặc bắt ép trẻ làm những việc xấu. Con số thực tế còn lớn hơn số liệu thống kê báo cáo rất nhiều.

Hiện tại, hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa quy định rõ về các hành vi lôi kéo, dụ dỗ trẻ trên mạng Internet.

Nhiều ý kiến đề xuất, cần hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn những thuật ngữ như “quan hệ tình dục” và “trình diễn khiêu dâm” để bảo đảm nghiêm cấm tất cả các hình thức xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện qua kênh công nghệ thông tin – truyền thông.

Cùng với đó, rất cần có những công cụ, giải pháp hỗ trợ việc tìm kiếm, phát hiện các nguy cơ trẻ có thể bị xâm hại, dụ dỗ trên môi trường mạng.

Với định hướng “phòng hơn chống”, các bậc phụ huynh cần luôn giám sát, theo dõi việc trẻ sử dụng Internet, hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng Internet an toàn và chủ động trước những hành vi trên mạng Internet với những yêu cầu cơ bản như: Không tiết lộ thông tin cá nhân, thông tin bí mật đời tư cho người quen biết qua mạng mà không rõ nhân thân, danh tính; Không làm quen kết bạn với người trên mạng mà không rõ danh tính ngoài đời thực…

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ giúp người chưa thành niên phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại trên môi trường mạng cũng như hỗ trợ pháp lý cho trẻ. Trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục qua môi trường mạng cần có chuyên gia tâm lý tư vấn trực tiếp để giảm thiểu tác động từ đầu, đồng hành cùng trẻ trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm và hỗ trợ định hướng cho trẻ phục hồi.

Mặt khác, cần xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý, xử phạt và truy tố đối với các hành vi xâm hại người chưa thành niên, quyền người chưa thành niên trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành theo dõi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Ngoài ra, cần triển khai các chương trình nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho lực lượng thực thi pháp luật, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, điều tra tội phạm và truy tố, xử án để kịp thời nắm thông tin, tình hình thế giới, đặc biệt là xu hướng công nghệ đối với vấn đề ngăn ngừa, xử lý các vụ lạm dụng xâm hại người chưa thành niên, trẻ em trên môi trường mạng.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV