LỜI TÒA SOẠN

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để thực hiện quốc sách này, phải thực hiện xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là một trong những khoản được phép thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vậy nhưng, “đến hẹn lại lên”, câu chuyện xã hội hóa giáo dục tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều hiệu trưởng chia sẻ với VietNamNet, thời gian qua, hàng loạt trường trên cả nước bị phản ánh về các khoản thu, nhiều hiệu trưởng bị cách chức, kỷ luật. Hình ảnh người thầy bị bàn tán trên mạng xã hội khiến họ rất áp lực và trở nên rụt rè, thận trọng trong việc kêu gọi phụ huynh đóng góp xã hội hóa…

VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài Vận động xã hội hóa trường học - nỗi khổ chưa kể của hiệu trưởng, mời độc giả đón đọc.

Tuyến bài Vận động xã hội hóa trường học - nỗi khổ chưa kể của hiệu trưởng của VietNamNet thu hút nhiều ý kiến độc giả. Bên cạnh sự chia sẻ, đồng cảm trước các áp lực của lãnh đạo trường học trong công tác vận động xã hội hóa cũng không ít ý kiến của độc giả VietNamNet lại cho rằng: "Không có lửa làm sao có khói?". 

Độc giả Huy bày tỏ: “Đầu tiên cũng đáng trách và bức xúc với mấy phụ huynh thiếu hiểu biết lợi dụng hiệu ứng đám đông (mạng xã hội) đã xúc phạm các thầy, cô giáo đang dạy dỗ con mình (có thể đã vi phạm pháp luật khi thóa mạ người khác trên không gian mạng). Sau đó cũng trách các trường năm nào cũng phát động, kêu gọi với mọi hình thức để phụ huynh đóng tiền”. 

Tương tự, người đọc ký tên Hue cho rằng: “Không tự nhiên phụ huynh phản ứng như thế. Các trường toàn nghĩ ra các khoản với danh nghĩa tự nguyện (trong khi không tự nguyện thì biết rồi đấy)”.

“Công bằng mà nói chúng ta không nên vơ đũa cả nắm, nhiều vị hiệu trưởng rất có tâm với trường lớp học trò nhưng cũng không ít hiệu trưởng thiếu minh bạch”, độc giả Nguyễn Đình đưa ra nhận định.

Bạn đọc Thanh Le phân tích thêm: “Tôi cũng đứng về phía phụ huynh, không ủng hộ việc xúc phạm người khác nhưng ủng hộ chống lạm thu. Các hiệu trưởng cứ biến mình thành nạn nhân chứ sự thật không phải thế. Con tôi học trường công đủ các loại tiền (ngoài quỹ lớp 600-700 nghìn/học kỳ) như tham quan, hội chợ xuân, đá bóng, bóng rổ...”.

Một độc giả khác cho rằng: “Không có lửa, sao có khói? Quá nhiều bất cập thời gian qua nên giờ cứ thêm một khoản thu là phụ huynh khó lòng chấp nhận... Nhiều con sâu làm rầu nồi canh”.

Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Văn Long phân tích: “Nguyên nhân vì sao khó vận động, các phụ huynh không đồng tình và phản ứng gay gắt? Nó xuất phát từ những việc làm không minh bạch của nhà trường. Các phụ huynh đều sẵn sàng đóng góp miễn con em mình được ăn ngon, đầy đủ, có môi trường vui chơi học tập tốt”.

“Làm đúng chẳng có việc gì phải ngại, phải sợ. Phụ huynh họ cũng đều là những người có hiểu biết, chưa kể văn hóa người Việt ngàn đời nay rất tôn trọng nghề giáo. Ví dụ đơn giản: Năm nào cũng vận động trang bị máy lạnh cho từng lớp, nhưng lạ là máy lạnh mới mua năm ngoái đi đâu để năm nay các em mới lên lớp đấy lại phải đóng tiền mua?”, độc giả Nam gửi thắc mắc về VietNamNet.

Sự im lặng "tiếp tay" cho lạm thu

Anh Trọng Thành (47 tuổi), phụ huynh có con học lớp một trường THCS tại TP Hà Tĩnh, chia sẻ, năm học 2023-2024, do khối lớp 6 tăng lớp nên con anh phải học trong lớp đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị thiết yếu.

Sau khi nhận lớp, phụ huynh thành lập nhóm zalo, lên kế hoạch tu sửa, mua sắm trang thiết bị lớp học... Mức đóng thấp nhất của mỗi phụ huynh là 300 nghìn đồng, ai có điều kiện có thể đóng góp hơn.

78170144 45ce 4a5c b6d5 1c4e3379abfd.jpeg
Vận động phụ huynh đóng đầu năm ít nhiều hình ảnh người thầy bị mang tiếng. Ảnh: CTV

“Chúng tôi biết hội trưởng hội phụ huynh vận động khoản này là không đúng quy định nhưng đành im lặng và đồng ý nộp. Chúng tôi sợ mang tiếng keo kiệt, con bị trù dập”, anh Thành cho hay.

Phụ huynh lớp hoàn thành khoản đóng, lớp học được tân trang, làm mới. Giáo viên chủ nhiệm mới thông báo “không bắt buộc phụ huynh đóng khoản này, ai có điều kiện tài trợ cho trường”.

Anh Thành cho biết, trong lớp anh có phụ huynh dùng Facebook tố hội trưởng hội phụ huynh thu tiền không đúng, hiệu trưởng cũng bị nhắc tên vì lấy hội phụ huynh lớp làm "bình phong" để thu. Khi thông tin được chia sẻ lên Facebook, nhiều người vào bình luận, đám đông ùa vào "ném đá" hiệu trưởng với những lời lẽ tiêu cực.

Anh Thành cho hay, nhiều năm đi họp phụ huynh, anh nhận ra dù biết hiệu trưởng, hội phụ huynh đề ra chủ trương thu tiền chưa đúng nhưng phụ huynh không lên tiếng phản đối. Họ im lặng tuy nhiên ra khỏi lớp thì xì xào, bàn tán. Có người thể hiện sự bất bình bằng cách tố hiệu trưởng lên mạng xã hội.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị N., giáo viên mầm non, cũng chia sẻ, với các khoản đóng xã hội hóa nhà trường có triển khai hay không phụ thuộc vào sự đồng thuận của phụ huynh. Với các khoản thu chưa hợp lý hoặc quá cao... phụ huynh có quyền lên tiếng phản đối trong cuộc họp hoặc trực tiếp gặp hiệu trưởng để nhà trường triển khai thu- chi cho phù hợp.

Nhiều phụ huynh đồng thuận trong buổi họp nhưng về nhà lại ý kiến, đổi lỗi nhà trường thu quá cao, thu sai quy định... rồi buộc tội hiệu trưởng lạm thu.

Cô N. Cho rằng, sau khi bị nhắc tên mạng hội ít nhiều các giáo viên, hiệu trưởng mất đi nhiệt huyết, cống hiến và người thiệt thòi sẽ là học sinh.

“Với các khoản vận động tài trợ, trước khi thu của phụ huynh, nhà trường đều phải họp lấy ý kiến. Trong cuộc họp, phụ huynh hãy có chính kiến với các khoản thu tự nguyện, thỏa thuận. Từ đó giữa nhà trường và phụ huynh có sự đồng thuận hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học”, cô N. nói.

Đậu Tình