LỜI TÒA SOẠN

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để thực hiện quốc sách này, phải thực hiện xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là một trong những khoản được phép thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vậy nhưng, “đến hẹn lại lên”, câu chuyện xã hội hóa giáo dục tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều hiệu trưởng chia sẻ với VietNamNet, thời gian qua, hàng loạt trường trên cả nước bị phản ánh về các khoản thu, nhiều hiệu trưởng bị cách chức, kỷ luật. Hình ảnh người thầy bị bàn tán trên mạng xã hội khiến họ rất áp lực và trở nên rụt rè, thận trọng trong việc kêu gọi phụ huynh đóng góp xã hội hóa…

VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài Vận động xã hội hóa trường học - nỗi khổ chưa kể của hiệu trưởng, mời độc giả đón đọc.

Đêm trắng của nữ hiệu trưởng vô tình 'nổi tiếng' trên mạng

Một hiệu trưởng mầm non (công tác ở Hà Tĩnh) chia sẻ, cuối tháng 12/2023, nhà trường mới tổ chức cuộc họp phụ huynh năm học mới, thông báo thu tiền học phí và các khoản phục vụ trực tiếp cho trẻ như tiền ăn, tiền cô nuôi dưỡng...

“Năm học 2019- 2020, trường THCS trên địa bàn vận động thu tiền xã hội hóa bị phụ huynh phản đối dữ dội nên từ đó đến nay, các trường từ mầm non đến THCS rất khó khăn trong việc vận động phụ huynh đóng tiền mua sắm trang thiết bị, tu sửa nhỏ. Phụ huynh cho rằng, trường công đã có nhà nước xây dựng nên học sinh không phải đóng khoản này”, vị hiệu trưởng nói.

a2adefwefwef.jpg
Nhiều giáo viên, hiệu trưởng mong muốn trở về với vai trò người thầy đúng nghĩa, chỉ tập trung tốt chuyên môn, không phải ôm thêm quá nhiều nhiệm vụ. (Trong ảnh: Thầy Lê Hoài Nam - Hiệu phó trường THPT Nguyễn Trung Thiên, trao bằng tốt nghiệp cho các em. Ảnh: CTV)

Năm học này, trường xin phụ huynh tăng 1.000 đồng tiền ăn so với năm học trước (từ 17.000 lên 18.000 với 2 bữa ăn/ngày), mỗi cháu đóng 35.000 để mua thảm cỏ và 100.000 đồng tiền mua đồ chơi để trang trí vườn cổ tích.

Nữ hiệu trưởng mệt mỏi trở về nhà sau cuộc họp phụ huynh diễn ra căng thẳng với nhiều ý kiến không ủng hộ chủ trương của nhà trường. Tuy nhiên, chưa được nghỉ ngơi, bà đã nhận được thông báo, sau cuộc họp, một phụ huynh lớp 5 tuổi đã lên mạng xã hội phản ánh với nội dung xúc phạm giáo viên.

Dòng trạng thái của người này được nhiều phụ huynh trong và ngoài trường tương tác. Nhiều người đã vô tư bình luận xúc phạm hiệu trưởng, giáo viên.

“Cả đêm đó, tôi không ngủ được. Mệt mỏi và xót xa khi phụ huynh cố tình không hiểu, làm xấu hình ảnh người thầy”, nữ hiệu trưởng tâm sự.

Cũng từng bị phụ huynh bêu rếu lên mạng xã hội vì chuyện vận động đóng tiền hỗ trợ cơ sở vật chất, cô B. (hiệu trưởng một trường ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đến nay vẫn còn ám ảnh.

Thời điểm đó, nữ hiệu trưởng bị trầm cảm vì nhiều phụ huynh dùng lời lẽ không hay để nói về mình, có nhiều bình luận làm ảnh hướng đến ngành giáo dục. "Sau lần bị đưa tên lên mạng xã hội, tôi sợ khi kêu gọi phụ huynh đóng tiền. Có những hạng mục của nhà trường cần thiết làm, trường không kêu gọi thì phải trông nhờ vào nguồn của chính quyền", cô B. nói.

Nói về vấn đề này, một lãnh đạo phòng ở Hà Tĩnh cho hay, nhiều hiệu trưởng hiện nay rụt rè, ái ngại thậm chí là sợ phải thu tiền của phụ huynh. Nếu họ làm đúng tinh thần xã hội hóa sẽ không đạt chỉ tiêu, tự nguyện trên tinh thần nhà trường “gợi ý” thì ít nhiều bị mang tiếng, bị đưa lên mạng xã hội.

Vì thế, các hiệu trưởng trên địa bàn sắp về hưu, trong năm học đó, họ không triển khai mua sắm trang thiết bị, tu sửa các mục bởi vì muốn... an toàn.

Nỗi ám ảnh "mùa thu chi"

Nguyên một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh chia sẻ với VietNamNet, ông cảm thấy buồn khi hiệu trưởng bị đưa tên lên mạng xã hội vì vấn đề tiền nong, tài chính. Đúng sai chưa biết, nhưng danh dự, hình ảnh nghề nghiệp của người thầy bị ảnh hưởng.

Cũng có không ít hiệu trưởng lợi dụng chức quyền hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra lạm thu, bị báo chí, mạng xã hội phản ánh khiến phụ huynh có cái nhìn tiêu cực với người thầy. Song theo ông, phụ huynh cũng cần khách quan, chia sẻ với những nỗi khổ tâm của người hiệu trưởng.

Nguyên lãnh đạo cho hay, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, chưa đáp ứng tốt nhất về cơ sở vật chất và trang thiết bị nên phải kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên các văn bản, công văn còn “có kẻ hở” khiến cho nhiều hiệu trưởng loay hoay trong việc kêu gọi được nguồn lực và làm đúng quy định.

Trong các thông tư, công văn quy định vận động xã hội hóa từ phụ huynh là trên tinh thần tự nguyện, không quy định mức tài trợ bình quân, mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp.

“Nhiều hiệu trưởng từng thừa nhận rằng nếu làm đúng công văn sẽ khó khăn trong việc xã hội hóa giáo dục. Vận động, kêu gọi phụ huynh đóng góp thường phải lách quy định, mới đảm bảo nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường lớp”, vị này nói.

Cũng theo ông, năm nào các trường cũng kêu gọi phụ huynh đóng và các khoản thu cứ thế “đẻ” ra là do tâm lý của các trường cũng như phụ huynh mong muốn con em mình học ở ngôi trường khang trang, hiện đại. Nên trường chưa đạt chuẩn mức 1, mức 2 phải vận động để đầu tư, xây mới cho đạt; trang thiết bị còn thiếu buộc phải thu của phụ huynh để mua sắm, bổ sung đảm bảo nhu cầu dạy học.

Chính vì áp lực làm cơ sở vật chất nên trong quá trình vận động, kêu gọi phụ huynh đóng nộp, hiệu trưởng ít nhiều không tránh khỏi sai sót. 

“Nghề hiệu trưởng ngoài làm tốt chuyên môn, còn phải đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp nên nhiều áp lực. Qua nhiều vụ việc, họ sợ mạng xã hội, sợ những thông tin chưa kiểm chứng đã bị kết tội lạm thu, bỏ túi", nguyên lãnh đạo nói.

Bên cạnh sự chia sẻ, đồng cảm trước các áp lực của lãnh đạo trường học trong công tác vận động xã hội hóa cũng không ít ý kiến của độc giả VietNamNet lại cho rằng: "Không có lửa làm sao có khói?". Vấn đề này sẽ được chúng tôi tiếp tục đăng tải vào ngày mai, 28/3. Mời quý độc giả đón đọc!

Đậu Tình