Bộ phim “Chi-Raq" sắp công chiếu của đạo diễn Mỹ Spike Lee được quảng cáo là phiên bản hiện đại của vở hài kịch “Lysistrata" thời Hy Lạp cổ, và có nội dung trào phúng về những phụ nữ cấm vận sex để bắt đàn ông chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, liệu việc "đình công chuyện ấy" kiểu này có hiệu quả trong đời thực?

{keywords}

Một phụ nữ Mỹ đang đánh cuộc rằng đáp án cho câu trả lời trên là "có".

Cô April Lawson đã bắt một thỉnh cầu trên trang Change.org nhằm đặt dấu chấm hết cho tình trạng bạo lực hoành hành ở khu vực South Side thuộc thành phố Chicago, Mỹ. "Đã đến lúc đình công chuyện ấy rồi, các cô gái. Trong một xã hội gia trưởng, vấn đề sẽ không được giải quyết cho đến khi nó trực tiếp tác động đến đàn ông. Việc cấm vận tình dục đã được sử dụng như một biện pháp biểu tình phi bạo lực suốt lịch sử", cô Lawson viết.

Đạo diễn Lee cũng bày tỏ trên báo New York Daily News rằng, ông nghĩ "đình công chuyện ấy" có thể là các cách biểu tình chống tấn công tình dục hiệu quả ở các trường cao đẳng và đại học.

Trong thực tế, "đình công sex" ra đời từ cách đây khá lâu với kết quả thu được hỗn độn. Theo thống kê của tờ The Week, năm 2006, người yêu của những thành viên băng đảng ở Colombia đã tiến hành một chiến dịch cấm vận tình dục, góp phần dẫn tới việc giảm 26,5% các vụ giết người trong năm 2010. Và vào năm 2009, tình trạng bế tắc chính trị ở Kenya đã kết thúc sau khi các chị em được khuyến khích từ chối "quan hệ" trong vòng một tuần.

Song, dù hàng trăm phụ nữ ở Naples, Italia đã cam kết cấm vận "chuyện ấy" để buộc những người đàn ông phải hứa chấm dứt việc bắn pháo hoa nguy hiểm chào đón năm mới, nhưng một vài năm sau, một người vẫn thiệt mạng và 70 người khác bị thương khi việc làm đó vẫn diễn ra. Và một cuộc đình công tình dục của các bà vợ những lãnh đạo chính trị ở Bỉ năm 2011 đã không giúp vãn hồi được một chính phủ đổ vỡ.

Và thực tế gây ấn tượng mạnh nhất, có lẽ là trải nghiệm của nhà hoạt động hòa bình người Liberia Leymah Gbowee dẫn tới một phong trào phi bạo lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến vào năm 2003. Phong trào của bà bao gồm cả một chiến dịch cấm vận tình dục, được chứng minh là vô cùng có giá trị do làm khởi phát đàm luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

"Điều nó đem lại là thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu. Vì vậy, đình công 'chuyện ấy' đang phục vụ mục đích tạo ra đàm luận trên truyền thông và rốt cuộc giúp thực hiện một mục tiêu lớn hơn của những người phụ nữ", bà Gbowee giải thích.

Bà Gbowee lấy ví dụ ở Togo, nơi phụ nữ đòi tổng thống từ chức năm 2012 bằng một chiến dịch cấm vận tình dục. Và khi phóng viên của các hãng thông tấn lớn BBC, CNN và Al Jazeera tới, họ đều muốn biết tại sao những người phụ nữ này lại đang biểu tình với hình thức kỳ lạ như vậy. Kết quả là, những người phụ nữ cuối cùng đã có được thứ họ muốn - điều mà họ đã khao khát suốt nhiều năm, nhưng không có hãng truyền thông nào để mắt tới cho đến khi nó liên quan đến chuyện quan hệ tình dục.

Pepper Schwartz, một chuyên gia xã hội học thuộc Đại học Washington (Mỹ), nhất trí rằng, đình công sex luôn tạo nên các đề mục báo gây chú ý. Mặc dù vậy, bà vẫn tỏ ra hoài nghi về việc sử dụng nó như một công cụ thay đổi xã hội. Theo bà, sử dụng sex làm vũ khí không chỉ tiềm ẩn việc hủy hoại các mối quan hệ mà còn rất nguy hiểm.

Chuyên gia Schwartz nhận định: "Nếu người phụ nữ không có quyền hành và họ cố tạo sức ép nào đó, họ vẫn không có đủ sức mạnh để làm việc đó. Và trong một tình huống có sức nặng, nơi những người đàn ông có thể hành xử hung bạo mà không gặp vấn đề gì, sức ép từ chuyện cấm vận tình dục có thể đẩy người phụ nữ đối mặt với nguy hiểm".

Hơn thế nữa, bà Schwartz lưu ý rằng, ở một đất nước mà mọi người đều có quyền và được bảo vệ, phụ nữ không cần phải sử dụng tình dục như phương tiện thị uy. Ngay cả cô Lawson, người đưa ra lời thỉnh cầu cấm vận sex ở Chicago, cũng thừa nhận đây không phải là cách làm lí tưởng. Cô giải thích: "Tôi muốn mở đầu bằng cách nói rằng tôi không thường xuyên ủng hộ việc dùng tình dục như một vũ khí trong các mối quan hệ. Việc trao đổi thông tin đối với tôi có ý nghĩa quan trọng nhất và tôi thích được đàm phán để giải quyết vấn đề. Nhưng, các thời điểm cấp bách đòi hỏi các biện pháp quyết liệt".

Mặc dù lời thỉnh cầu của cô Lawson cho tới nay mới nhận được 54 chữ ký đồng thuận (các thỉnh cầu tác động để tạo ra thay đổi thường đòi hỏi khoảng 2.000 chữ ký đồng thuận, theo trang Change.org), câu chuyện về nó đã được nhiều tờ báo (New York Daily News, Chicago Tribune), kênh truyền hình (FOX, ABC) và các trang truyền thông tin tức nhắc đến. Thực tế này khiến nhà hoạt động xã hội Gbowee tin rằng, chiến dịch cấm vận có thể phát huy tác dụng.

Tuấn Anh (Theo Discovery)