Đời sống của người dân xã Nhơn Lý được nâng cao nhờ khách du lịch đến đây ngày càng nhiều.

Một trong những phụ nữ đi đầu trong việc đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch tại xã Nhơn Lý là chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Lý Lương. Nhờ kinh doanh dịch vụ ăn uống và đưa đón khách đến Kỳ Co, trung bình mỗi năm chị Hà thu lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn tạo công ăn việc làm cho 20 người với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Chị em phụ nữ ở các xã ven thành phố Quy Nhơn đã rủ nhau làm dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế gia đình và giúp nhiều người khác thoát nghèo. 

Theo chị Hà, hiện xã Nhơn Lý có nhiều gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống nên tính cạnh tranh rất cao. Muốn giữ chân khách, món ăn phải tươi ngon, giá cả hợp lý và nhân viên phục vụ phải tận tình, thân thiện. Gia đình chị Hà cũng đầu tư một ca nô chở khách ra đảo Kỳ Co và một xe điện để đưa đón khách ra tận bến. “Trước đây, khách muốn ra bến để đi ca nô qua Kỳ Co phải đi bộ một quãng đường dốc dài. Từ khi có xe điện đưa ra tận bến, số lượng khách đi ca nô ra Kỳ Co ngày càng nhiều hơn. Thời gian tới, tôi sẽ mở thêm dịch vụ homestay để sau khi vui chơi, ăn uống, khách có thể nghỉ ngơi thoải mái mà không cần phải đi tìm những nơi xa”, chị Hà cho biết.Sau vài năm làm dịch vụ du lịch, gia đình chị Loan ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải đã xây được nhà, có tiền cho ăn học. Trước đây, chồng chị Loan đi biển, còn chị làm công nhân với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, gia đình thuộc diện khó khăn của xã.

Sáu năm trước, một số khách du lịch đến Hòn Khô (xã Nhơn Hải) ngỏ ý muốn đi lặn biển, ngắm san hô ở Kỳ Co (xã Nhơn Lý), nhà có sẵn chiếc ghe, hai vợ chị Loan nhận lời làm dịch vụ. Sau một vài chuyến thành công, hai vợ chồng chị Loan mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ du lịch. Chị đảm đương việc giới thiệu, tư vấn các địa điểm ăn uống, nghỉ dưỡng kèm theo giá cho khách lựa chọn, còn chồng thì cầm lái ca nô đưa đón khách đến các điểm du lịch như: Cù Lao Xanh, Kỳ Co…

Chị Loan bộc bạch, mỗi khi tư vấn cho khách, chị chỉ giới thiệu những quán ăn chất lượng, giá cả hợp lý... Khi chở khách đi tắm biển, lặn san hô, chồng chị luôn tính đến phương án đảm bảo an toàn cho khách. Chị tâm sự: “Mỗi năm, vợ chồng mình làm dịch vụ du lịch khoảng 8 tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, cũng kiếm được khoảng 200 triệu đồng/năm. Công việc này không vất vả lại cho thu nhập cao nhưng để trụ được lâu thì cần phải giữ chữ tín, không nên “chặt chém” với khách lạ hay người nước ngoài”.

Ở cùng thôn Hải Nam còn có nhiều chị em khác cũng không còn phải chạy cơm từng bữa. Nhờ làm dịch vụ du lịch, họ kinh tế ổn định, cuộc sống ngày càng sung túc.

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Ninh, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Lý, trên địa bàn xã có khoảng 32 chị em kinh doanh dịch vụ du lịch. Hội LHPN xã thường xuyên đến từng nhà hội viên tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng “chặt chém” giá cả… Chị Ninh cho biết: “Trong khâu tuyên truyền, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh vấn đề an toàn cho du khách. Khi sóng to, gió lớn, tuyệt đối không được đưa khách du lịch ra đảo. Khi khách lên thuyền phải đảm bảo 100% mặc áo phao. Đặc biệt, giữa các chị em làm dịch vụ không được chèo kéo, tranh giành khách gây mất ANTT”.

Theo thống kê tại xã Nhơn Hải, hiện có khoảng 20 chị làm dịch vụ hậu cần du lịch, trong đó có 13 chị được vay vốn qua tín chấp của hội với số tiền gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng chị em làm dịch vụ hậu cần du lịch còn thấp, phần lớn là tự phát, chưa được trang bị nhiều kỹ năng. Hội LHPN xã cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho chị em tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch trên biển.

Thu Hằng
Ảnh: Lan Anh