Theo tờ The Guardian, chỉ có 18 trong trong tổng số 42 cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trên thế giới năm 2024 có nữ giới tranh cử vị trí lãnh đạo. Hơn nữa, chỉ tại một số ít quốc gia, phụ nữ mới có cơ hội thực sự để chiến thắng dựa trên tỷ lệ bỏ phiếu và thành quả của đảng họ đại diện tranh cử.
Với tổng dân số hơn 2 tỷ người nhưng các cuộc bầu cử ở 3 nước lớn như Mỹ, Indonesia và Ấn Độ đều đã hoặc đang không có ứng cử viên dẫn đầu là nữ. Điều tương tự cũng xảy ra trong các cuộc bỏ phiếu ở Anh, Pakistan và Nam Phi.
Thăm dò dư luận cho thấy, nhìn chung người Mỹ rất cởi mở trong việc bầu chọn lãnh đạo là nữ giới. Song, theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Pew Research, 53% dân số của xứ sở cờ hoa cho rằng có quá ít phụ nữ nắm giữ chức vụ chính trị cấp cao. 81% thừa nhận, các nữ chính trị gia phải hành động nhiều hơn để chứng tỏ bản thân so với các đồng nghiệp nam.
Ngay cả với Mexico, quốc gia ghi dấu với những thành công và nỗ lực thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong chính trường, cũng đối diện vấn đề như vậy. Năm 2019, Mexico đã quy định về sự bình đẳng đại diện trong Hiến pháp, đồng nghĩa các đảng cần có ít nhất 50% ứng cử viên nữ để tranh cử.
Kể từ đó, nhiều phụ nữ đã giành được chức thống đốc bang và Quốc hội Mexico có số nữ nghị sĩ cao thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu phát hiện, số đại diện nữ giới vẫn ít trầm trọng tại các phòng họp của ban giám đốc các doanh nghiệp và có mức lương thấp hơn đáng kể so với các đồng nghiệp nam.
Khi bàn về lí do vì sao các ứng cử viên nữ liên tục không được chọn, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford nhận định, một trong các nguyên nhân là thành kiến của các cử tri. Họ tin, ứng cử viên nữ khó có thể giành chiến thắng, nên họ sẽ không bỏ phiếu cho dù có thể thích ứng viên đó.
Vấn đề thành kiến cũng được nêu ra trong cuộc khảo sát tương tự của Pew Research. Kết quả khảo sát hé lộ, đến 80% cử tri tin Mỹ chưa sẵn sàng bầu chọn phụ nữ giữ những chức vụ cao hơn.
Các nghiên cứu cũng phát hiện sự bất cập từ nhiều yếu tố khác. Do đó, việc đối diện và xử lý những thách thức này càng trở nên khó khăn hơn.
Trước thách thức về cam kết bình đẳng giới trong chính trị, các nghiên cứu chỉ ra rằng “hạn ngạch giới” đóng vai trò quan trọng đối với việc cải thiện sự thiếu hụt của phụ nữ trên chính trường.
Một nghiên cứu năm 2023 của Tổ chức Vận động hành lang Phụ nữ châu Âu ghi nhận, hạn ngạch ràng buộc số ứng cử viên nữ giống như ở Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp là cách hiệu quả nhất để đẩy nhanh các đại diện nữ và nuôi dưỡng một nền chính trị có thể cho phép phụ nữ tiếp cận các nấc thang quyền lực.
Bà Jéromine Andolfatto, một quan chức thuộc Tổ chức Vận động phụ nữ Châu Âu, ở những quốc gia có quy định về hạn ngạch ứng cử viên, tỉ lệ ghế trong quốc hội của phụ nữ đã tăng từ 18% năm 2004 lên 34% vào năm 2021. Vì vậy, bà tin rằng “sự tiến bộ tuy diễn ra chậm nhưng vẫn tốt hơn các nước không có hạn ngạch”.
Thúy Quỳnh