Hoạt động nhằm truyền tải thông điệp tích cực để hình thành văn hóa giao thông an toàn, đúng pháp luật.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, trên toàn quốc xảy ra 17.836 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người. Trong đó, xe máy chiếm đến 60% tổng số phương tiện gây tai nạn giao thông.

Hiện, cả nước có trên 4 triệu trẻ em, học sinh trong độ tuổi từ 16-18. Thực tế hiện nay, học sinh sử dụng xe gắn máy khá phổ biến nhưng nhiều em còn thiếu hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong tháng cao điểm, lực lượng chức năng đã xử phạt trên 80.000 trường hợp vi phạm quy định tham gia giao thông đối với học sinh. Một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn vẫn xuất phát từ chính ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Chính vì thế, tại sự kiện, đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, báo cáo viên Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã trình những kiến thức cần thiết, bổ ích để đảm bảo an toàn giao thông học đường, một trong những chủ đề nóng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, chương trình cung cấp thông tin, kiến thức về an toàn giao thông cho hơn 100 em học sinh THPT và hơn 200 hội viên phụ nữ.

tuyen truyền văn hoa giao thong.jpeg
Tuyên truyền pháp luật về văn hóa tham gia giao thông cho học sinh

Ngoài ra, các cán bộ hội viên phụ nữ và đông đảo học sinh Hà Nội được truyền thông pháp luật về an toàn giao thông thông qua video phóng sự với thông điệp “Phụ nữ Thủ đô thượng tôn pháp luật - Xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; biểu diễn ca kịch “Đội mũ bảo hiểm cho con”, “Ấm tình cha mẹ”, “Bài ca nữ tuyên truyền giao thông”…

Cũng trong khuôn khổ buổi truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã phát động mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội là một tuyên truyền viên tích cực, lan toả những thông điệp ý nghĩa, hành động đẹp, nâng cao ý thức của các em học sinh trong xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Chương trình là sự kiện ý nghĩa hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 và triển khai Kế hoạch của UBND TP Hà Nội lựa chọn chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.