Là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh chiếm 17,15%. 

Giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Cơ sở hạ tầng được tăng cường; hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh là 30,08% (giảm 3,48% so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người của người DTTS năm 2020 đạt khoảng 34,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ thôn, bản vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người DTTS đạt 96,36%. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 92%. Nguồn nhân lực vùng DTTS được đào tạo nghề đạt 65%.

Đường vào bản Ú, Tân Sơn

Trên địa bàn tỉnh, 100% các xã vùng dân tộc và miền núi có 5 trường dân tộc nội trú (3 cấp tỉnh, 2 cấp huyện), với 1.102 học sinh; 03 trường phổ thông dân tộc bán trú với 34 lớp, 1.084 học sinh; 07 trường phổ thông có học sinh bán trú, với 2.570 học sinh. Tổng số học sinh người DTTS là 75.892 học sinh, chiếm trên 19% tổng số học sinh toàn tỉnh. 100% các xã, thị trấn miền núi có trung tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ phòng học kiên cố vùng dân tộc đạt 100%. Hơn 90% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Có 19 di tích thuộc vùng DTTS được Nhà nước xếp hạng; 12 lễ hội đã được tổ chức phục dựng và duy trì tại các địa phương. Có 09/58 xã thuộc vùng DTTS&MN đạt tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. 

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống nhân dân; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định, an ninh quốc phòng, UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch số 3036/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã đề ra những mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 như:

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn; Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; Ưu tiên sử dụng các cấu kiện xây dựng theo mô-đun (module) lắp ghép bảo đảm thi công nhanh, giảm chi phí phục vụ các công trình;

Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân; Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;

Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng;

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình; Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình;

Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; huy động hợp lý các nguồn vốn ODA và các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng;

Huy động các nguồn vốn tín dụng thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung hỗ trợ thuộc phạm vi đầu tư để triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; đồng thời huy động, thu hút nguồn đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ cũng kêu gọi các sở, ban ngành phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".

Văn Hùng, Ngọc Quý, Tuấn Anh