Về bản chất, khoảng trống không có lương hưu, trợ cấp đối với người cao tuổi từ 60-79 tuổi đã được Chính phủ, BHXH Việt Nam và Hội người cao tuổi Việt Nam nhận thấy từ lâu. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách còn hạn chế, chính sách đang trong quá trình hoàn thiện nên nhóm đối tượng này đang được "bù đắp" trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này.
Theo thống kê nhanh của Hội Người cao tuổi Việt Nam, cả nước có trên 16 triệu người cao tuổi, trong số này có khoảng 11 triệu người không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, nhất là từ 60 tuổi đến 79 tuổi, đang tạo ra khoảng trống an sinh. Còn theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại Quốc hội, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Số người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 65% đang là khoảng trống về an sinh xã hội.
Trong khi đó, BHXH Việt Nam xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Như vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã bổ sung nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Đáng lưu ý, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, nhiều "lỗ hổng" về chính sách cho người cao tuổi cũng được lấp đầy và trở thành niềm hy vọng cho nhiều người cao tuổi hiện nay. Cụ thể, dự thảo Luật cũng sẽ điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước (NSNN) từng thời kỳ. Theo đó, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Như vậy, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.
Như vậy, chỉ cần người lao động có thời gian đóng BHXH là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay, nếu người lao động không hưởng BHXH một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Đồng thời, các khoản trợ cấp bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp cho người cao tuổi) cho người từ 60 - 79 tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, hoặc cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (tuổi 75 - 80) và trợ cấp cho những người khuyết tật ở mức độ nặng cũng được tính đến và bổ sung.