Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì thủ tục

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến.

Nhìn sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn yếu ớt, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, xuất khẩu suy giảm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Ngoài nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng có nhiều nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách.

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển. 

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Một mặt, do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đi vay. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn. Điển hình nhất là doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp.

Dù nhìn nhận một cách tổng thể hoạt động cải cách hành chính đã giúp cải thiện nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp về việc tiếp cận đất đai, tuy nhiên ông Tuấn đánh giá "mức độ chuyển biến trên thực tế là không toàn diện".

Một số khía cạnh vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là phiền hà, chi phí tuân thủ cao. Vấn đề phổ biến nhất là “thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định”, với hơn 61% doanh nghiệp lựa chọn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phản ánh những vấn đề như “phải trả chi phí không chính thức”, “xác định giá đất quá lâu”, “cán bộ giải quyết thủ tục không hướng dẫn đầy đủ”, “không đúng quy trình, thủ tục” và “giá đất không đúng quy định”.

Trong số các vấn đề kể trên, trả chi phí không chính thức là tình trạng khá nhức nhối và phổ biến hơn ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo ước tính từ dữ liệu điều tra PCI, khoảng 40% doanh nghiệp thực hiện thủ tục đất đai đã chấp nhận trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục. 

Gỡ rào cản, thông thoáng môi trường kinh doanh

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, cần cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa, giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hóa. Thực hiện chính sách giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa cả doanh nghiệp Nhà nước.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Có thể nói, chúng ta đã đạt được bước tiến dài và rất căn bản trong tự do kinh doanh; người dân và doanh nghiệp đã có quyền từ do kinh doanh trong những những nghề mà luật không cấm. Tuy vậy, vẫn còn không ít dư địa mở rộng và phát triển hơn nữa quyền tự do kinh doanh. 

Tự do kinh doanh gắn liền với an toàn kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ. Để có được an toàn, giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ, ông Cung lưu ý cần có một số yếu tố. Đó là luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được; có hệ thống tài phán (toà án, trọng tài…) cung cấp dịch vụ công lý công bằng, tin cậy và hiệu quả; có thể chế thực thi luật pháp công tâm, công bằng, minh bạch.

 Phạm Lương Bằng, Hà Ngọc Dũng, Trần Bích Hạnh, Nguyễn Xuân Ngọc