Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận hiện có gần 3.200 hộ, với trên 14.500 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

{keywords}
Mô hình tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Qua gần 8 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn xã có trên 90% đường giao thông nội thôn, nội đồng được bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, cũng như sản xuất của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%… góp phần xây dựng xã Phước Hải đạt 12/19 tiêu chí NTM. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu đạt 17/19 tiêu chí, đạt thêm 5 tiêu chí, gồm: Cơ sở trường học (tiêu chí số 5), cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6), cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7), tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) và tỷ lệ khu dân cư đạt danh hiệu thôn văn hóa (tiêu chí số 16). Đến nay, công trình 20 phòng học đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của giáo viên, học sinh.

Riêng với tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, xã tập trung củng cố 4 tổ hợp tác (3 tổ rau an toàn, 1 tổ chăn nuôi bò vỗ béo); thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế… Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX, cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Hợp tác xã đã kết nối với một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Linh Đan, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Tiến; tạo điều kiện cho xã viên tham quan, học tập kinh nghiệm trồng măng tây xanh tại HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước)…

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của huyện, HTX cũng đang tiến hành lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất 2 giống cây trồng chủ lực, đảm bảo đầu ra, gồm: măng tây xanh, đậu phộng… Qua đó, góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập, cùng địa phương hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.

Trong xây dựng nông thôn mới, thu nhập cũng là tiêu chí khó khăn nhất mà xã luôn trăn trở, nỗ lực thực hiện. Để hoàn thành được tiêu chí này, từ nhiều năm qua, nhằm tăng thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, đường giao thông, mạng lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao…

Đã có nhiều mô hình triển khai hiệu quả như việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 42 ha; triển khai thí điểm mô hình măng tây xanh trên diện tích 1 ha; đồng thời duy trì các mô hình “Nuôi bò vỗ béo và phát triển bò sinh sản”, mô hình “Nuôi dông trên cát”, sản xuất rau an toàn 120 ha, mô hình tưới nước tiết kiệm 105 ha, với 103 hộ tham gia lắp đặt…

Để nâng giá trị kinh tế các sản phẩm nông nghiệp, xã cũng đã xây dựng và tạo liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân. Trong thời gian tới, xã triển khai mô hình cánh đồng lúa lớn với quy mô 50 ha trong vụ đông-xuân, nhân rộng mô hình măng tây xanh lên 20 ha, mô hình rau an toàn 300 ha, đồng thời thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ bà con vay vốn sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững…

Bích Hạnh
Ảnh: Thanh Bình