Không cho phép nhập khẩu nội tạng, phụ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào Việt Nam dưới mọi hình thức.
Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Chăn nuôi do Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo, đang lấy ý kiến nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ sản phẩm, phụ phẩm chăn nuôi từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam (VN). Cụ thể, Điều 81 dự thảo này nêu rõ: Không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào VN dưới bất kỳ hình thức nào. Không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già, loại thải từ nước ngoài vào VN với mục đích giết mổ lấy thịt.
Ngoài ra, tại Điều 81 của dự thảo Luật Chăn nuôi cũng quy định các sản phẩm chăn nuôi và các phụ phẩm của quá trình chế biến, giết mổ (như chân, cổ, cánh, móng...) khi nhập khẩu vào VN phải được kiểm dịch và thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất xứ về nguồn gốc vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho nhập khẩu vào VN.
Cấm nhập nội tạng là hợp lý
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, giải thích việc đưa các quy định trên vào luật là do các mặt hàng này chất lượng rất thấp, chưa kể mang nhiều nguy cơ chứa chất độc hại.
Thời gian vừa qua, VN nhập khẩu rất nhiều sản phẩm chăn nuôi để phục vụ tiêu dùng, trong đó có nhóm nội tạng, phụ tạng động vật. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là tim heo, gan heo, cật heo; xách trâu, bò; dạ dày, tràng, ngẩu pín, tinh hoàn, tim gà, mề gà... với giá rất rẻ, được tiêu thụ phần lớn ở các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Được coi là món khoái khẩu nên nội tạng được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. |
“Đối với động vật sống, VN đã từng nhập khẩu bò già tám tuổi từ Úc và gà đầu trọc - là loại gà đẻ trứng đã khai thác hết, thường gọi là gà loại thải, lượng kháng sinh tồn dư còn rất nhiều. Cho nhập những mặt hàng này không chỉ gây áp lực lên ngành chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng sức khỏe đối với người tiêu dùng trong nước” - ông Vân nhấn mạnh.
Nhiều trang trại, doanh nghiệp lẫn hiệp hội ủng hộ quy định mới trên. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng nội tạng, phủ tạng chứa nhiều hàm lượng cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan cho gia súc, gia cầm, ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước.
“Chúng ta xuất khẩu thịt rất khó trong khi nhập khẩu lại quá dễ dàng. Do vậy, cần phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý. Gà loại thải dư lượng kháng sinh tồn dư nhiều, ở các nước gọi là rác hoặc làm phân bón nên không cho phép nhập để giết mổ lấy thịt là đúng. Các nước bỏ đi thì không có lý do mình lại cho nhập khẩu. Thực tế đã chứng minh gà loại thải giá rẻ như cho, có thời điểm nhập về chưa tới 20.000 đồng/kg đã cạnh tranh không công bằng với gà trong nước” - ông Ngọc chia sẻ.
Lo vướng quy định quốc tế
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay hiện nay giá heo hơi vẫn quanh quẩn mức giá 26.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ nặng 500.000-1 triệu đồng/con. Trong khi đó hiện nay VN vẫn cho nhập khẩu rất nhiều nội tạng, phụ phẩm và động vật sống già, loại thải nên áp lực càng lớn.
Do vậy theo ông Công, nếu quy định không cho phép nhập nội tạng, gà loại thải được đưa vào luật thì là điều đáng mừng cho người dân lẫn doanh nghiệp. “Nội tạng và phủ tạng cận đát, hết đát, bẩn, hôi thối nhập khẩu… vẫn thường xuyên bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt” - ông Công dẫn chứng.
Tuy vậy, ông Công phân vân quy định cấm nhập nội tạng liệu có phù hợp với quy định quốc tế hay không. Bởi trước đây ngành chăn nuôi từng kiến nghị không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng vào nước ta nhưng vướng các hiệp định thương mại.
Cụ thể, các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn có thể “trả đũa” vì cho rằng nước ta đã vi phạm quy định của Hiệp định Kiểm dịch động, thực vật khi cấm nhập nội tạng. Ngoài ra, một số nước xuất mặt hàng này lập luận hàng của họ đảm bảo chất lượng nên không được cấm.
Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT, cho hay trên thế giới cũng có nước cấm, có nước vẫn cho nhập nội tạng. VN có thể đưa quy định không cho phép nhập nội tạng và gà loại thải vào luật. Nhưng phía cơ quan, ban, ngành liên quan cần chứng minh về việc đưa ra quy định này để các tổ chức như WTO, các nước có hiệp định thương mại với VN thấy thuyết phục.
“Ví dụ phải chứng minh nội tạng, gà loại thải nhập về chứa nhiều chất độc hại, dư lượng kháng sinh cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nguy cơ dịch bệnh, cạnh tranh thương mại không công bằng… Bên cạnh đó VN có thể đưa ra nguyên nhân không cho phép nhập trong các văn bản dưới luật và có thông báo cho các tổ chức, các nước trên thế giới biết” - ông Minh nói.
Nhập hàng ngàn tấn phụ phẩm heo mỗi năm Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 lượng thịt heo các loại được nhập khẩu về VN đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, phụ phẩm sau giết mổ của heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh hơn 27.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15-3, cả nước nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại. Trong đó lớn nhất là thịt gà với 20.600 tấn, chiếm tỉ trọng hơn 50% tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về VN, trị giá gần 19 triệu USD. Đứng thứ hai là thịt trâu bò các loại với 11.800 tấn, chiếm tỉ trọng 29%, trị giá 35 triệu USD. Riêng thịt heo, tính đến 15-3-2017, cả nước nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại. Trong đó phụ phẩm sau giết mổ của heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập về nhiều nhất với 5.400 tấn. Theo số liệu của Cục Thú y, lượng nội tạng nhập vào VN chủ yếu từ Mỹ, Úc, Ba Lan… Đó là chưa kể lượng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Nhiều nước làm phân bón Nội tạng động vật, phủ tạng là các cơ quan nội tạng và ruột của một con vật bị xẻ thịt không bao gồm thịt và xương. Người phương Tây nói chung thường chỉ ăn thịt và da động vật, phần nội tạng bên trong bị vứt bỏ hay làm thức ăn cho gia súc. Với bộ phận nội tạng không sử dụng trực tiếp cho con người hoặc động vật thì thường được xử lý trong nhà máy sản xuất phân bón hoặc nhiên liệu. Trong khi đó, tại nhiều nước Á Đông trong đó có VN, không ít món ăn được chế biến từ nội tạng. Nhiều người Việt coi nội tạng là món khoái khẩu và cho rằng nội tạng động vật bổ dưỡng hơn nhiều phần thịt và da, tuy nhiên nhiều chuyên gia lại cho rằng ăn nhiều nội tạng không tốt cho sức khỏe. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)