Thưa bác sĩ, tôi nghe nói tế bào ung thư thích "ăn" đường nên nếu bỏ đường thì ung thư sẽ suy giảm. Điều này đúng hay không? (Hoài Nam, TP.HCM).
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy Trang, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tư vấn:
Đường có nhiều loại như đơn chất và đa chất. Loại đường mà bệnh nhân nên hạn chế là đường mía, đường mật ong… Còn đường trong cơm gạo, trái cây thì không cần thiết phải kiêng quá mức.
Trước đây, có nghiên cứu thử nghiệm bằng cách gắn chất chỉ thị vào đường và cho bệnh nhân ung thư uống, ghi nhận đường gắn vào tế bào ung thư; còn gắn chất chỉ thị vào đạm hay chất béo thì không như vậy. Từ đó, một số người cho rằng tế bào ung thư "ăn" đường và khuyên người bệnh kiêng đường.
Tuy nhiên, trong cơ thể, não và thận là 2 cơ quan sử dụng đường để có năng lượng hoạt động mà không sử dụng chất đạm và chất béo.
Nếu chúng ta kiêng đường hoàn toàn, kiêng tinh bột và trái cây thì não và thận sẽ “chết” trước tế bào ung thư. Trong khi đó, tế bào ung thư có thể lấy đường từ cơ thể tạo ra để sử dụng.
Một người bình thường mỗi ngày có thể ăn 5 thìa cà phê đường. Những trường hợp sau nên giảm đường:
- Bệnh nhân đang có khối ung thư chưa phẫu thuật được, khối u lở loét nên ăn ít đường vì đường huyết cao sẽ khiến vết thương khó lành.
- Người có khối u trên cơ địa dễ viêm nhiễm.
- Người có tình trạng kháng insulin, đường huyết tăng.
Kiêng đường nghĩa là không ăn quá độ mà ăn trong giới hạn cho phép để nêm nếm thức ăn. Với bệnh nhân ung thư, sự ngon miệng rất quan trọng, nếu kiêng đường tuyệt đối, người bệnh sẽ không muốn ăn.
Để tính toán lượng đường trong cơm gạo, bún, phở, hủ tiếu, bánh canh và trái cây, bệnh nhân phải được khám và tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng. Việc này còn tùy thuộc vào từng thể trạng, bệnh lý (như đái tháo đường) của mỗi người.