Điều trị ung thư thường kéo dài và rất tốn kém. Vậy sau khi kết thúc điều trị, bệnh có tái phát không thưa bác sĩ? (Thanh Minh, 30 tuổi, Lâm Đồng).
Bác sĩ CKII Lâm Quốc Trung, Phó trưởng khoa Hóa trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:
Dựa trên các nghiên cứu, người ta nhận thấy ung thư thường tái phát ở 2-3 năm đầu tiên sau khi điều trị. Tỷ lệ tái phát tùy thuộc vào loại ung thư, độ mô học, giai đoạn bệnh cũng như người bệnh có áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ sau đó hay không.
Những trường hợp ung thư không quay trở lại sau 5 năm có tỷ lệ tái phát rất thấp và xem như khỏi bệnh.
Một số ung thư khả năng tái phát rất cao như ung thư não nguyên phát (100%), ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (70%)… hoặc tùy vào phân nhóm trong từng loại ung thư mà tỷ lệ tái phát khác nhau.
Trên hình ảnh CT, một khối u kích thước khoảng 1cm nghĩa là đã có rất nhiều tế bào ác tính bên trong và có nguy cơ di căn vi thể tại thời điểm chẩn đoán. Chúng đi vào máu, đến các cơ quan, nằm yên và chờ điều kiện thuận lợi để phát triển.
Nếu người bệnh điều trị khối u ban đầu không hiệu quả, cũng không điều trị hỗ trợ (hóa xạ trị) sau đó theo chỉ định, khả năng tái phát sẽ rất cao. Nguy cơ này càng cao hơn nếu bệnh nhân suy giảm miễn dịch, dùng thuốc không nguồn gốc, không chính thống...
Để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát ung thư, việc điều trị ban đầu phải chính xác và đúng kỹ thuật. Sau đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị hỗ trợ (hoá hoặc xạ trị) để diệt tế bào vi thể còn sót lại. Kết thúc điều trị hỗ trợ, người bệnh cần theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm tình trạng tái phát.
Điều trị tái phát ung thư hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ tái phát (tại chỗ, di căn xa hay lan tràn), loại ung thư, bản chất của khối u, phương pháp điều trị…