- Nhìn từ quả bom Quan Độ, vụ nổ ở Văn Phú sẽ thấy lỗ hổng quản lý của chính quyền và cả sự bang quan của những người sống quanh đó.

Những ngày đầu năm, một vùng quê yên bình ở Bắc Ninh đã phải đắm chìm trong không khí tang tóc, khi một kho chứa phế liệu phát nổ khiến hai trẻ em thiệt mạng và nhiều người bị thương. Khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, tạm giữ hình sự với chủ nhà kho và tiếp tục mở rộng điều tra. Không nghi ngờ gì, những người có liên quan chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đó là một quy trình quen thuộc mà chúng ta đã thấy ở những vụ nổ tương tự trên khắp cả nước. Nhưng sự răn đe về pháp luật dường như không đủ để ngăn chặn tiếng bom giữa thời bình. Chỉ cách đây 5 tháng, một gia đình ở Khánh Hoà cưa đầu đạn cối lấy phế liệu, khiến 6 người thiệt mạng. Hai năm trước, một quả bom phế liệu phát nổ ngay giữa khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội), khiến 4 người chết và 10 người bị thương.

Những sự cố như vậy là hi hữu, nhưng mỗi khi xảy ra thì để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đáng ngại hơn, số lượng bom mìn ở nước ta vẫn còn rất nhiều: cơ quan chức năng cho rằng phải mất đến hơn 300 năm mới dọn sạch. Những di chứng chiến tranh sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh ở bất kì nơi nào trên đất nước, với chất xúc tác là sự bất cẩn, liều mạng, vô ý thức của một số người kinh doanh phế liệu và sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

{keywords}
Hiện trường vụ nổ lớn ở Bắc Ninh

Sự việc ở Bắc Ninh, trên lý thuyết, có lẽ không gắn nhiều với những lỗ hổng về quy định của pháp luật với ngành kinh doanh phế liệu. Đây là loại hình kinh doanh được quản lý tương đối chặt chẽ, buộc phải đảm bảo các điều kiện ngặt nghèo về giấy phép, bảo vệ môi trường, hệ thống phòng, chống cháy, nổ, về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ,...

Thế nhưng, tất cả những quy định trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được thực thi một cách nghiêm túc. Một điều dễ nhận thấy là chúng chỉ có hiệu lực ở các đô thị lớn và được quản lý chặt chẽ như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh. Càng ra xa khỏi trung tâm, dường như sự nghiêm túc đó không còn nữa, đổi bằng nguyên tắc "phép vua thua lệ làng". Sẽ không hiếm gặp các cơ sở kinh doanh phế liệu tự phát, trang trí bên ngoài bởi những chiếc vỏ bom, khi bạn ghé qua những thị trấn, thị tứ ở khắp nơi trên cả nước.

Nếu xét trên đủ các loại quy chuẩn mà pháp luật yêu cầu, chắc sẽ còn rất ít cơ sở được phép tồn tại: không có che chắn phế liệu, không có hệ thống xử lý chất thải/nước thải (như bình ắc-quy hỏng), không đảm bảo các quy định về phòng chống cháy-nổ, và thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường, ảnh hưởng tới môi trường sống và gây mất an toàn giao thông cho những người xung quanh.

Thế nhưng, nhiều cơ sở dạng này vẫn tồn tại. Cơ quan chức năng ở các địa phương, vô tình hay cố ý, bỏ quên việc giám sát của hoạt động kinh doanh có nguy cơ rất lớn này. Chỉ khi có những tiếng bom kinh hoàng, như từ thôn Quan Độ vừa qua, thì nhà quản lý mới cuống cuồng tìm cách chữa cháy. Rõ ràng, khi đó mọi sự đã quá muộn.

Nhưng liệu lỗi lầm có hoàn toàn thuộc về các cơ quan quản lý?

Những người thu mua phế liệu trước hết phải chịu phần trách nhiệm chính, bởi việc mua bán và tái chế các vật liệu có khả năng sát thương cao như bom, mìn là hoàn toàn bị cấm theo pháp luật. Nhà nước có kiểm soát chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa, thì khả năng để 'lọt' những hoạt động như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi mà người kinh doanh phế liệu vẫn còn say sưa kiếm tiềm bằng mọi giá, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên tính mạng của bản thân và người khác, thì sẽ  còn tồn tại rủi ro.

Việc thiếu an toàn tại các cơ sở thu mua phế liệu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh - và nhiều trường hợp là tính mạng - của chính những người sống quanh đó. Do vậy, các cư dân không thể bang quan, cần phải thông qua người đại diện hoặc các tổ chức đại diện như đoàn thể các cấp, cần phải tích cực giám sát các hoạt động kinh doanh có nguy cơ cao cho cộng đồng, nhằm hỗ trợ thêm cho các cơ quan quản lý nhà nước.

"Kinh doanh rác" là một trong những ngành tạo ra nhiều lợi nhuận và đảm bảo cuộc sống cho nhiều người lao động. Ngành này cũng có những đóng góp tích cực, khi tái chế những sản phẩm không còn giá trị sử dụng, cung cấp nguyên liệu cho những hoạt động sản xuất khác. Tuy nhiên, những lý do trên không thể biện minh cho việc kinh doanh thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng đến sự an nguy của bản thân và cộng đồng xung quanh. Ở các nước láng giềng, điển hình là Trung Quốc, ngành thu mua và xử lý phế liệu đang bị siết chặt điều kiện hoạt động.

Để tránh những sự việc thương tâm như ở Quan Độ xảy ra, chúng ta – gồm cả nhà nước và người dân cần phải  bắt tay làm tròn trách nhiệm của chính mình.

Khắc Giang

‘Cưa bom’ ở Hà Nội đến nổ lớn ở Bắc Ninh: Kinh hoàng tiếp nối

‘Cưa bom’ ở Hà Nội đến nổ lớn ở Bắc Ninh: Kinh hoàng tiếp nối

Vụ nổ kho phế liệu kinh hoàng ở Bắc Ninh vừa qua, và gần một năm trước là vụ “cưa bom” ở Văn Phú (Hà Nội), đã dấy lên hồi chuông báo động về những hiểm họa cận kề... 

Vụ nổ ở Văn Phú: Có ai muốn cưa bom để sống?

Vụ nổ ở Văn Phú: Có ai muốn cưa bom để sống?

Vụ nổ kinh hoàng tại đô thị mới quận Văn Phú, Hà Đông một lần nữa làm dóng hồi chuông báo động tình trạng  người dân hàng ngày vẫn phải “đánh đu” với tính mạng của mình để mưu sinh.

Vụ Camry gây tai nạn và chuyện người Việt 'nhờn luật'

Vụ Camry gây tai nạn và chuyện người Việt 'nhờn luật'

Đáng lo ngại là hiện tượng “nhờn luật” của số đông trở nên phổ biến hơn. Trên mặt đường, chỗ nào không có CSGT là người ta sẵn sàng phạm luật.