Có câu nói, không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể sắp xếp lại tương lai.

Từ xa xưa, người ta thường nói đến đồng bằng Nam Bộ là “vựa lúa của cả nước”, với những “cánh đồng thẳng cánh cò bay”, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, tôm cá đầy sông, hoa trái đầy vườn, lúa gạo đầy bồ… Miền Tây được “thiên nhiên ưu đãi”, với “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, cuộc sống vật chất phong lưu như “công tử Bạc Liêu”, còn cuộc sống tinh thần hồn nhiên như “bài ca vọng cổ”…

Nghịch lý miền Tây

Nhưng tất cả những hình ảnh đẹp đẽ đó đã trôi vào quá khứ như huyền thoại về một “thời xa vắng”. Nó đang được thay thế bằng hình ảnh “miền Tây hoang dã” với môi trường bị ô nhiễm, ruộng vườn bị hoang hóa vì hạn hán và ngập mặn. Cuộc sống của hàng triệu người dân miền Tây đang bị đe dọa. Nhiều người phải bỏ quê  ra thành phố hoặc ra nước ngoài làm thuê mưu sinh.

{keywords}
Khó khăn vẫn đeo bám ĐBSCL. Ảnh VietnamNet.

Đó là một nghịch lý đau lòng. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu là một “vùng kinh tế trọng điểm” của cả nước. Tác hại to lớn do thiên tai (hạn hán và ngập mặn)  “chưa từng có trong lịch sử”, đã làm mất hơn 160.000 ha lúa (theo đánh giá ban đầu), ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 320.000 hộ dân, khiến 775.000 người thiếu nước ngọt. Sau trận hạn hán và ngập mặn lịch sử đó, ĐBSCL sẽ càng khó khăn chồng chất.

Mặc dù ĐBACL chiếm 19% dân số cả nước (hơn 18 triệu người), chiếm 13% diện tích cả nước. Tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). Chỉ riêng cây lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng cả nước. Xuất khẩu gạo của toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. 

Nhưng ĐBSCL lại luôn nghèo: Thu nhập bình quân đầu người với mức 40,2 triệu đồng (cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm). Cái nghèo vô lý của ĐBSCL cũng đã lộ rõ- làm nông nghiệp nhưng với phương thức sản xuất hiện nay, năng suất lao động thấp, chắc chắn sẽ thua trong sân chơi toàn cầu hóa. 

“Tìm cơ trong nguy” 

Tôi vừa tham dự diễn đàn “Mekong Connect Forum 2016” (Cần Thơ, 26/10/2016). Khẩu hiệu năm nay là: “Tìm cơ trong nguy” để đối phó với “biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường, thách thức hội nhập”. Đó là tầm nhìn và định hướng đúng. Đây là diễn đàn hàng năm, dành cho các doanh nghiệp, do sáng kiến của một số lãnh đạo doanh nghiệp và địa phương năng động, kết nối 04 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, và đang lan tỏa ra các tỉnh khác như một mô hình kiểu mẫu. “Mekong Connect Forum” được các tổ chức phi lợi nhuận (BSA và LBC) tổ chức.   

Bài tham luận của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về “các giải pháp đổi mới nông nghiệp” là một tài liệu tham khảo rất quan trọng, không những cho diễn đàn này, mà còn cho các đối tượng khác. Các tham luận của các chuyên gia và doanh nhân trong và ngoài nước đều rất thiết thực.  Ví dụ, Mr Philip Zerillo (giáo sư, SMU, Singapore) về “Biến đổi khí hậu và rủi ro trong kinh doanh”; Mr Julien Brun (CEO, CEL Consulting) về “Chuỗi cung ứng”; Mr Herb Cochran (Giám đốc điều hành Amcham VN) về “An toàn thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ”; Mr Gal Yarden (CEO, Natafim, Israel) về “Nông nghiệp sạch và thông minh”.   

Diễn đàn đã quy tụ được hơn 600 người tham dự, trong đó có một số lượng lớn doanh nhân từ vùng ĐBSCL và các nơi khác.

Điều đáng tiếc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn- bộ “chủ quản” đã không có mặt. Trong khi ĐBSCL là “vựa lúa của cả nước” đang bị thiên tai và “nhân họa” đe dọa đến sự sống còn, thì sự vắng mặt của Bộ NN-PTNT tại “Mekong Connect Forum 2016” khiến người ta không khỏi cảm thấy chạnh lòng và tự hỏi liệu đây là công việc của ai?

Cũng trong mấy ngày này (24-26/10/2016), tại Hà Nội đang diễn ra Hội nghị ACMECS-7, Hội nghị CLMV-8 và Hội nghị WEF–Mekong. Cả 03 hội nghị quan trọng này đều liên quan đến Tiểu vùng Mekong, đang phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu và những bất cập giữa các quốc gia trong tiểu vùng. Nhưng diễn đàn “Mekong Connect 2016” dường như vẫn đang tự bươn chải trong một thể chế bất cập, với những nút thắt, và rào cản chưa được tháo gỡ.   

Cơ hội đổi mới nông nghiệp

Như bài thuyết trình của chuyên gia Phạm Chi Lan đã đề cập, muốn đổi mới nông nghiệp tại ĐBSCL, cần hiện đại hóa và thương mại hóa theo phương châm “nhiều hơn từ ít hơn”, và cải cách thể chế toàn diện. Để tháo gỡ những bế tắc hiện nay tại ĐBSCL, cải cách thể chế về sở hữu ruộng đất có ý nghĩa cơ bản.

Tại ĐBSCL, cũng như trên thế giới, con người không thể chống lại biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể tìm cách ứng phó với hệ lụy của nó để tồn tại và phát triển, trong môi trường thay đổi. Đó là câu chuyện toàn cầu, không phải chỉ Việt Nam. Nước nào năng động, chịu đổi mới tư duy, biết ứng dụng công nghệ mới và cách quản trị mới thì thoát hiểm. Nước nào bảo thủ, không chịu đổi mới tư duy và thể chế, “chậm phát triển”, thì sẽ tụt hậu. 

Tuy nhiên, có câu nói, không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể sắp xếp lại tương lai thì đúng trong mọi hoàn cảnh. 

Nguyễn Quang Dy